ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

19:52 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 3075 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (26/5), kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại kỳ họp.

Tham gia phát biểu ý kiến, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề thể hiện sự chuyên môn hóa sâu cho hoạt động khám, chữa bệnh; đồng thời cũng là điều kiện để phát huy được các nguồn lực của xã hội tham gia vào hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có nguồn lực của tổ chức tôn giáo. Điều 55, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành quy định tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan. Thực tế, nguồn lực của tôn giáo đối với y tế là rất lớn và rất hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay do quy định của luật nên việc tham gia của các tổ chức tôn giáo vào trong lĩnh vực y tế còn khó khăn. Việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này đối với quy định về cấp chứng chỉ hành nghề thì các tổ chức tôn giáo sẽ căn cứ vào quy định của luật, khi có đầy đủ chuyên môn, có chứng chỉ hành nghề thì sẽ tham gia được vào quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Dự thảo luật cũng cần quy định theo hướng chuyên môn hóa sâu hơn đối với lĩnh vực y học cổ truyền, như quy định về quy trình, phương pháp khám bệnh, chữa bệnh chứ không chỉ đơn thuần là các bài thuốc về y học cổ truyền. Trong thực tiễn, hoạt động của các tổ chức tôn giáo trong lĩnh vực y học cổ truyền rất hiệu quả, đã có hàng trăm phòng khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền ở các chùa và các cơ sở tự viện được đánh giá cao bởi lãnh đạo Bộ Y tế. Về thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề nên giao cho cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế, Sở Y tế cấp phép, còn Hội đồng Y khoa là tổ chức đề ra các điều kiện, tiêu chuẩn để được cấp phép...

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Việt Nam, Dự thảo Luật quy định người hành nghề là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam phải biết Tiếng Việt thành thạo. Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện lại cho rằng, quy định này là không cần thiết, bởi hiện nay xã hội rất hiện đại, việc kết nối hồ sơ bệnh án từ bệnh viện Việt Nam sang bệnh viện quốc tế, ngôn ngữ phổ biến trong hoạt động hội chẩn quốc tế là Tiếng Anh. Nếu chúng ta quy định khắt khe về ngôn ngữ, họ sẽ không đến Việt Nam nữa, như vậy sẽ không tận dụng được nguồn lực cũng như trí tuệ, chất xám của nhân loại. Thay vào đó, cần quy định theo hướng tăng trách nhiệm của phiên dịch, ngoài thông thạo về ngôn ngữ thì phải tốt nghiệp y khoa nếu làm phiên dịch cho bác sỹ.

Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Tạ Thị Yên nhất trí với quy định cho phép cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo quy định của luật giá. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định về nguyên tắc xây dựng giá dịch vụ khối y tế tư nhân để có sự quản lý của nhà nước về giá và cần có khung giá trần tối đa. 

Đại biểu Quốc hội Quàng Thị Nguyệt đề nghị bổ sung quy định về Quỹ khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa nhiệm vụ và giải pháp được đề ra trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong tình hình mới.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top