Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên:

Đề nghị quy định cụ thể tỷ lệ phần trăm số tiền các cơ quan thanh tra được trích từ các khoản thu hồi

22:40 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 4707 In bài viết

ĐBP - Đó là một trong những nội dung đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu trong phiên thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào chiều nay (26/5), khi tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Hiện tại Dự thảo Luật đang quy định theo hướng các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy là quá chung chung, cần thiết phải định lượng cụ thể tỷ lệ này.

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều ngày 26/5.

Về biện pháp ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản, đại biểu cho biết: Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế  đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp  là “Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong toả tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử”. Dự thảo luật đã bổ sung quy định trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện hành vi vi phạm thì Trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra lập biên bản về hành vi vi phạm đó để làm cơ sở xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện dấu hiệu của việc tẩu tán, chuyển dịch, hủy hoại tài sản thì yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản hoặc đề nghị cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, cơ quan có thẩm quyền khác có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi đó. Theo đại biểu, để ngăn chặn ngay việc tẩu tán tài sản mà chỉ dừng lại ở việc “kiến nghị” là chưa thực sự đầy đủ, toàn diện, vì trong thời gian chờ kiến nghị của thanh tra viên được giải quyết thì đối tượng vẫn có thời gian, cơ hội để tẩu tán tài sản.

Về tổ chức, bộ máy của thanh tra: Việc thay đổi, phát sinh tổ chức, bộ máy, biên chế, các nguồn lực đảm bảo cho hoạt động của tổ chức thanh tra như việc thành lập cơ quan thanh tra tại tổng cục thuộc bộ và ở một số cơ quan như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Ban Cơ yếu Chính phủ... cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá để đảm bảo sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hay không. Đại biểu nhất trí cao việc giao Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở, quy định như vậy là phù hợp với chủ trương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tạo sự chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, đối với những nơi không tổ chức thanh tra cũng cần bổ sung làm rõ nhiệm vụ thanh tra hành chính, chuyên ngành và những nhiệm vụ khác về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo sẽ giao cho cơ quan nào. Ngoài ra, đại biểu nhất trí với mô hình duy trì tổ chức thanh tra cấp huyện bởi lẽ đây là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra, quy định này cũng phù hợp với nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”. 

Về vấn đề chống chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động  kiểm toán, đề nghị cần phải có sự phân định rõ ràng, rạch ròi về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan này. Dự thảo luật quy định trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu có chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán nhà nước thì cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước trao đổi, thống nhất để một cơ quan thực hiện. Trường hợp không thống nhất được thì cơ quan nào đang tiến hành hoạt động thanh tra hoặc kiểm toán trước thì cơ quan đó tiếp tục thực hiện. Quy định này chưa rõ ràng, chưa có quy định về quy trình, thủ tục thực hiện sự trao đổi, thống nhất đó, điều này có thể dẫn đến việc kéo dài thời hạn thanh tra, kiểm toán một cách tùy nghi.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top