Mục đích của công tác thi đua, khen thưởng là “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”

15:07 - Thứ Sáu, 27/05/2022 Lượt xem: 4462 In bài viết

Sáng 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng, việc xét tặng các danh hiệu thi đua cần bảo đảm sự công bằng, đáp ứng yêu cầu, mục đích của công tác thi đua, khen thưởng là “thành tích đến đâu khen thưởng đến đó”.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Nhiều nội dung còn ý kiến khác nhau

Về việc bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu (Điều 29), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn “đạt chuẩn nông thôn mới”, bổ sung các tiêu chuẩn về “đạt các tiêu chí về văn minh đô thị”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn chung đạt danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu nhằm bảo đảm tính phổ quát chung nhất, thể hiện tại khoản 1, Điều 29 của dự thảo luật.

Về việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” còn có hai loại ý kiến khác nhau. Trong đó, loại ý kiến thứ nhất thống nhất với Tờ trình của Chính phủ đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; loại ý kiến thứ hai đề nghị không quy định “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” trong dự thảo luật.

Trong khi đó, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định tiêu chuẩn “có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên” tại khoản 2 là chưa phù hợp, cần có sự linh hoạt hơn, đề nghị điều chỉnh tiêu chuẩn là từ 1 năm trở lên.

 Quang cảnh phiên họp sáng 27-5.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc quy định có thời gian tham gia từ 2 năm trở lên được thể hiện trong hồ sơ dự án luật Chính phủ trình Quốc hội trên cơ sở đề xuất của chính Trung ương Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam tại Tờ trình số 391/TTr-HCTNXPVN ngày 25-10-2016 gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng, tương đương với tiêu chuẩn xét tặng “Huy chương Chiến sĩ vẻ vang”. Do vậy, Ủy ban Xã hội xin phép Quốc hội cho giữ tiêu chuẩn là 2 năm trở lên như quy định của dự thảo luật, đồng thời, giao Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quy định này.

Về xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” với “nhạc sĩ” và “phát thanh viên”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu về việc giữ quy định hiện hành. 

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, qua quá trình lấy ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, ý kiến vẫn còn rất khác nhau. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án để đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 là bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét 2 danh hiệu trên.

Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tuyết Hạnh (Đoàn Bình Định) quan tâm đến việc bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Đại biểu cho rằng, quy định tiêu chuẩn “có thời gian tại ngũ 2 năm trở lên” là chưa phù hợp, bởi thực tế cho thấy, một bộ phận thanh niên xung phong có thành tích, cống hiến nhưng lại không đủ thời gian 2 năm sẽ rất thiệt thòi.

“Tôi đồng tình với quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì thế, tôi kiến nghị cần thăng hạng trong khen thưởng Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang để bảo đảm tính công bằng”, đại biểu kiến nghị.

Còn đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) quan tâm đến việc bổ sung xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Nhất trí với phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu cho rằng, việc sửa đổi lần này khá chặt chẽ, được dư luận đánh giá cao. “Tôi cho rằng việc bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu là đối tượng được xét danh hiệu hoàn toàn hợp lý”, đại biểu bày tỏ quan điểm.

Đại biểu Trần Thị Thu Đông (Đoàn Bạc Liêu) phát biểu.

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao các ý kiến phát biểu, thảo luận, tranh luận của các đại biểu để dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được hoàn thiện một cách tốt nhất. Theo Bộ trưởng, dự thảo luật có 88 điều mới, chỉ có 7 điều được sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý và giữ nguyên 7 điều so với luật hiện hành, bảo đảm yêu cầu đổi mới, yêu cầu thực tiễn và thành tích đến đâu khen thưởng đến đó. Vì thế, sau khi được Quốc hội thông qua thì sẽ có tên là Luật Thi đua, khen thưởng.

 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng trình bày làm rõ 3 nhóm vấn đề mà các đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến khác. Đó là việc bổ sung danh hiệu xã, phường, thị trấn tiêu biểu; bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tập hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các đại biểu để chỉnh lý, sửa đổi và tham mưu Ủy ban Thường vụ của Quốc hội tiếp thu, giải trình trước khi trình Quốc hội thông qua”.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có 24 ý kiến thảo luận, 4 ý kiến tranh luận tại phiên họp, cơ bản nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi các đại biểu Quốc hội và đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, giải trình thấu đáo ý kiến thảo luận, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top