ĐBQH tỉnh tham gia ý kiến dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

19:49 - Thứ Ba, 31/05/2022 Lượt xem: 3136 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (31/5), kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV thảo luận ở tổ về các dự thảo Luật: Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ ngày 31/5.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi luật và việc lựa chọn tháng 6 hàng năm là Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình, thực hiện bình đẳng giới trong gia đình và ngoài xã hội. Đại biểu Lò Thị Luyến tham gia một số nội dung cụ thể, như: Dự thảo luật bổ sung quy định các hành vi bạo lực gia đình được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Đại biểu băn khoăn về sự phù hợp khi áp dụng quy định này đối với người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như giữa nhân viên với người được chăm sóc tại các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng người già, trẻ bảo trợ…

Về xử lý và xác minh tin báo, tố giác về bạo lực gia đình, đối với người bị bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ có thai, nuôi con nhỏ, dự thảo luật quy định chủ tịch UBND cấp xã phân công công an xác minh tin báo tố giác, đồng thời đề nghị đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ hoặc cán bộ công tác xã hội tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Quy định chỉ giao cho đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình là chưa đầy đủ, thống nhất theo Điều 58, dự thảo luật về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận. Đề nghị quy định theo hướng giao cho đại diện Hội Liên hiệp phụ nữ hoặc các tổ chức chính trị xã hội khác tham gia bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức, thực hiện. Ngoài ra, đại biểu còn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi các quy định về thời gian yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình; mô hình nhà tạm lánh; trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức các hoạt động tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ người bị bạo lực gia đình… 

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt đề nghị nghiên cứu, bổ sung đối tượng được tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình là người gây bạo lực gia đình. Trên thực tế, trước khi gây bạo lực, người có hành vi bạo lực gia đình có thể từng là người bị bạo lực. Ngoài ra, hiện nay đối tượng chính tham gia các buổi tập huấn, can thiệp phòng chống bạo lực gia đình là phụ nữ. Đối tượng gây ra hành vi bạo lực gia đình là nam giới thì chưa có biện pháp hiệu quả, thiết thực để thu hút sự tham gia. Các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình đang hướng chủ yếu tới đối tượng đã trưởng thành, đã kết hôn. Theo đại biểu, việc giải quyết bạo lực gia đình phải bắt nguồn từ gốc rễ của vấn đề, đó là thay đổi nhận thức, hành vi từ khi còn nhỏ, còn trẻ. Vì thế, một trong những giải pháp cần quan tâm là truyền thông, giáo dục về quyền con người, về giá trị gia đình, bình đẳng giới, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và quy định của pháp luật về bạo lực gia đình ngay từ bậc phổ thông để trẻ em trai và trẻ em gái hình thành được quan điểm, thái độ ứng xử đúng đắn trong hôn nhân, gia đình.

Về hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định đối tượng tiến hành hoà giải bao gồm: gia đình, dòng họ; cơ quan, tổ chức; tổ hoà giải ở cơ sở. Quy định việc hòa giải do gia đình, dòng họ tiến hành cho thấy sẽ khó khả thi trong thực tiễn bởi không phải hầu hết người trong gia đình, dòng họ đều có kiến thức pháp luật, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Trường hợp không đủ kiến thức, kỹ năng có thể làm trầm trọng thêm mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình.

Về biện pháp cấm tiếp xúc, đại biểu nhận thấy các biện pháp cấm tiếp xúc chưa thực sự bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, khi áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc thì nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi) thường là người phải rời khỏi nhà chứ không phải đối tượng gây ra hành vi bạo lực. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân có thể phải chịu bạo lực kép từ gia đình và cả xã hội, bị khó khăn và yếu thế hơn khi bị đưa vào môi trường sống mới tạm thời trong lúc đang bị tổn thương.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Tráng A Tủa đề nghị bổ sung việc xử lý vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện các quy định về dân chủ ở cơ sở không đúng, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; sửa đổi quy định về việc ủy quyền của công dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cho phù hợp với địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top