Phát huy quyền làm chủ của nhân dân

05:26 - Thứ Tư, 01/06/2022 Lượt xem: 4772 In bài viết

ĐBP - Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, vận dụng linh hoạt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân huyện Điện Biên tham gia xây dựng đồng thời thực hiện giám sát đường giao thông nông thôn.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chú trọng quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến từng cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với địa bàn phụ trách. Đặc biệt, triển khai thực hiện các nội dung phải công khai để nhân dân biết như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các dự án công trình đầu tư; vấn đề thu - chi ngân sách; các khoản phí, lệ phí, các khoản đóng góp khác... dưới nhiều hình thức như niêm yết tại trụ sở, thông báo qua các cuộc họp thôn, bản, các cuộc tiếp xúc cử tri.

Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, thể hiện rõ nhất qua việc tham gia bàn bạc, góp ý kiến về mức huy động các nguồn đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Điện Biên, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện thường xuyên lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng các lĩnh vực hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường... Đặc biệt, để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huyện ban hành cơ chế trao quyền tự chủ cho người dân và cộng đồng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới thông qua các văn bản, nghị quyết, hướng dẫn; phân cấp cho UBND các xã làm chủ đầu tư các công trình dự án được ngân sách nhà nước hỗ trợ từ dưới 3 tỷ đồng. Qua việc trao quyền tự chủ cho cấp xã, đặc biệt là huy động sự tham gia của nhân dân đã mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng nông thôn mới. Nhờ sự đồng thuận của nhân dân, trong 2 năm (2020 - 2021), người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp gần 40 tỷ đồng và hàng nghìn mét vuông đất để thực hiện các chương trình, dự án, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 16 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, thời gian qua triển khai nhiều dự án trọng điểm, đặc biệt là Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Trước đó, do chưa tìm được tiếng nói đồng thuận từ Nhân dân; không ít kiến nghị, phản ánh, đơn thư chưa được giải quyết thỏa đáng dẫn đến các dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, thành phố đã thành lập các tổ công tác dân vận giải phóng mặt bằng tiến hành họp dân, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa, cơ chế, chính sách các dự án. Bằng hình thức đối thoại và giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, quan tâm xử lý những vụ việc phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cuối năm 2021, toàn bộ diện tích 149,75ha mặt bằng đã được bàn giao để thực hiện Dự án; giải quyết tái định cư cho hơn 1.300 hộ dân.

Quyền làm chủ của nhân dân còn được phát huy trên các lĩnh vực đời sống, xã hội. Đặc biệt thông qua ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã được củng cố, kiện toàn, từ đó người dân được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia giám sát trực tiếp vào các nội dung, nhất là công trình do Nhân dân đóng góp kinh phí; quá trình rà soát hộ nghèo, cận nghèo, quản lý xây dựng; việc thu các loại phí, lệ phí... Đến nay, toàn tỉnh có 129 Ban Thanh tra nhân dân, với 1.222 thành viên; thành lập 121 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng với 1.147 thành viên. Trong năm 2021, các ban đã tổ chức 183 cuộc giám sát các công trình dự án, chi trả chế độ chính sách… qua đó kiến nghị xử lý 59 vụ việc còn hạn chế, thiếu sót.

Để tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thời gian tới các cấp, ngành tiếp tục mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia công việc của Nhà nước thiết thực, phù hợp. Trong đó, lấy người dân là trung tâm và đặt lợi ích của nhân dân lên trên, lên trước trong quá trình xây dựng, hoạch định, ban hành chủ trương, chính sách. Thực tế đã chứng minh nếu thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì những khó khăn sẽ được giải quyết, những sai phạm sẽ không xảy ra và khơi dậy được tinh thần đồng thuận của nhân dân.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top