Nỗ lực chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử

05:52 - Thứ Năm, 02/06/2022 Lượt xem: 5887 In bài viết

ĐBP - Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp mới, quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh.

HĐND tỉnh ứng dụng phần mềm chuyển đổi số trong các kỳ họp. Trong ảnh: Đại biểu HĐND tỉnh họp không giấy tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XV.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 13 ngày 1/10/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án chuyển đổi số tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh…

Ông Vũ Anh Dũng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết: Tính đến ngày 30/4 đã có 25 sở, ngành tham mưu ban hành kế hoạch chuyển đổi số; 10/10 huyện, thị, thành phố ban hành Nghị quyết, Kế hoạch về chuyển đổi số; UBND TP. Điện Biên Phủ, TX. Mường Lay, huyện Nậm Pồ đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ với Sở TT&TT về hợp tác phát triển TT&TT và chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025.

Để triển khai thực hiện chuyển đổi số, điều kiện tiên quyết là tỉnh ta phải có hạ tầng, nền tảng số. Hiện nay, hạ tầng viễn thông trên địa bàn ngày càng được mở rộng, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chuyển đổi số. Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; 98,6% cấp thôn/bản trên địa bàn tỉnh được phủ sóng điện thoại di động 2G; 94,3% khu vực dân cư sinh sống, làm việc được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G; 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn và 88% cấp thôn/bản kết nối internet băng rộng cố định; 36% hộ gia đình có kết nối Internet.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc VNPT Điện Biên cho biết: Nền tảng công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số của tỉnh. Hiện nay, 100% cơ quan Nhà nước các cấp sử dụng nền tảng quản lý văn bản và điều hành; 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ; 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện áp dụng hệ thống chỉ đạo, điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã xây dựng nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) làm nền tảng phục vụ việc phát triển ứng dụng dịch vụ Chính quyền điện tử và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP); triển khai thí điểm nền tảng đô thị thông minh (IOC); trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu.

Hạ tầng thông tin được hoàn thiện, khoảng 2 năm gần đây, tỉnh ta bắt đầu triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển chính quyền điện tử, góp phần xây dựng Chính phủ số. Hiện nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được kết nối liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh. 100% cơ quan, đơn vị các cấp triển khai ứng dụng chữ ký số; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 95% (tăng 25% so với năm 2020). Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện lên mức độ 4 và tiếp nhận 133.370 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, trước hạn đạt trên 96,63%. Số hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt gần 25%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100%. Hệ thống hội nghị truyền hình của tỉnh đã được nâng cấp và kết nối thông suốt từ Trung ương đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Năm 2021, trên 180 cuộc họp, hội nghị được thực hiện trực tuyến (tăng gần gấp 3 so với năm 2020). Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ TT&TT và đã được kết nối với hệ thống của Văn phòng Chính phủ.

Đến nay, một số ngành, lĩnh vực tích cực triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ. Đơn cử như lĩnh vực y tế, 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối và chia sẻ thông tin về Bảo hiểm y tế, cổng dữ liệu y tế; 100% bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế huyện, thị xã triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, phần mềm quản lý xét nghiệm. Hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng đã cập nhật 100% mũi tiêm trên địa bàn tỉnh. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hệ thống quản lý trường học được triển khai đến tất cả các trường phổ thông; nền tảng học trực tuyến đáp ứng yêu cầu và phát huy hiệu quả trong thời gian phòng chống dịch bệnh Covid-19. Lĩnh vực nông nghiệp triển khai phần mềm theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, sử dụng các thiết bị công nghệ (máy tính bảng/điện thoại thông minh chạy ứng dụng di động FRMS Mobile; flycam; máy GPS); hệ thống bản đồ dạng số. Đối với lĩnh vực du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống tái hiện 3D di tích lịch sử đồi A1; thực hiện số hóa hiện vật; ứng dụng một số nền tảng để cung cấp thông tin, hỗ trợ khách du lịch tìm hiểu, đặt hàng dịch vụ trực tuyến (nhà hàng, khách sạn)…

Mặc dù là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn song huyện Nậm Pồ là đơn vị triển khai việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chuyển đổi số hiệu quả nhất tỉnh. Đến hết năm 2021, hệ thống quản lý văn bản và điều hành của huyện được kết nối liên thông với các sở, ban, ngành của tỉnh và tới các bộ, ngành Trung ương. 100% các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng chữ ký số vào phần mềm quản lý văn bản và điều hành, tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 90%. Hệ thống hội nghị trực tuyến của huyện kết nối đến 100% các xã và đảm bảo liên thông 4 cấp (Trung ương - tỉnh - huyện - xã). Hệ thống phần mềm “một cửa điện tử” thống nhất, tập trung đã kết nối tích hợp với cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh để tiếp nhận thủ tục hành chính của người dân, đăng tải công khai kết quả giải quyết và cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 85 thủ tục (16 dịch vụ mức độ 3, 69 dịch vụ mức độ 4).

Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Thời gian tới, huyện Nậm Pồ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, tập trung xây dựng chính quyền điện tử tạo nền tảng xây dựng chính quyền số. Huyện Nậm Pồ phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện việc xây dựng, phát triển chính quyền số, định hướng đến năm 2030 cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trên địa bàn.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top