Thi đua là yêu nước

05:34 - Thứ Năm, 09/06/2022 Lượt xem: 3642 In bài viết

ĐBP - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, những năm qua, đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, cần cù, sáng tạo, ra sức thi đua, lập nhiều thành tích trong học tập, lao động, sản xuất, phòng, chống dịch bệnh...

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, nông dân xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tích cực đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi làm giàu chính đáng.

Vài năm trở lại đây, nhất là năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã phát động phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”. Triển khai thực hiện phong trào, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự đồng thuận từ phía nhân dân, công cuộc ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Với việc vận hành cao nhất cơ chế dự phòng, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Điện Biên đã vững vàng vượt qua nhiều đợt dịch. Đặc biệt, sẻ chia cùng những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã tích cực kêu gọi, tham gia ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch. Người có gạo tặng gạo, người có trứng tặng trứng, người có củi tặng củi… tất cả đều một lòng hướng về những hoàn cảnh khó khăn bằng cả tấm lòng và tinh thần “tương thân tương ái”. Cũng trong năm 2021, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19” của Thủ tướng Chính phủ, Điện Biên cũng đã tổ chức nhiều đợt cử cán bộ y, bác sĩ hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch. Cùng với đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của địa phương đối với người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn tỉnh cũng được các cấp, các ngành, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Đặc biệt, với sự chủ động, thực hiện bài bản, đến nay, phong trào được triển khai rộng khắp, tạo sự thống nhất trong nhận thức của nhân dân, đồng thuận trong xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở các vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn; giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư; tạo cơ hội để đối tượng nghèo ổn định, đa dạng hóa việc làm, tăng thu nhập, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho đối tượng nghèo. Theo thống kê của Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2016 đến nay, thực hiện cuộc vận động, toàn tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp trên 220 nghìn ngày công lao động, hiến gần 250 nghìn mét vuông đất; góp trên 54 tỷ đồng để xây dựng các công trình giao thông nông thôn, xây dựng trường lớp học, nhà văn hóa… Đối với tiến trình xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã có 83 thôn, bản được công nhận nông thôn mới; trong đó, riêng năm 2021 có 28 thôn, bản được công nhận nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu.

Cùng với việc hưởng ứng các phong trào thi đua do Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương phát động, các phong trào thi đua theo chuyên đề mà tỉnh tổ chức thực hiện trong nhiều năm qua tiếp tục được đẩy mạnh. Đặc biệt, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã không ngừng thi đua lao động, sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương. Qua các mô hình trồng trọt, chăn nuôi… đã có nhiều gương nông dân dám nghĩ, dám làm, vươn lên trong cuộc sống. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 3.000 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhiều gương nông dân còn là điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc như: Ông Nguyễn Văn Công (Hội Nông dân TP. Điện Biên Phủ); ông Lò Văn Pâng, Lò Văn Miên (Hội Nông dân huyện Điện Biên); Vàng Văn Lập (Hội Nông dân huyện Nậm Pồ); Phạm Hồng Chuyên (Hội Nông dân huyện Tuần Giáo)...

Bám sát nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tiễn của tỉnh, khơi dậy tiềm năng, tính sáng tạo của tập thể, cá nhân, có thể nói, thời gian qua, việc hưởng ứng, tổ chức, triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương phát động đã có nhiều chuyển biến, thu được nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, các phong trào thi đua yêu nước đã gắn việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với các phong trào, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xây dựng cơ quan văn hóa, kiểu mẫu”; “Dạy tốt, học tốt”; “Ngày vì người nghèo”; “Thi đua quyết thắng”; “Vì an ninh Tổ quốc”...Qua các phong trào, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa bàn dân cư cũng như ở địa phương.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top