Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

10:27 - Thứ Hai, 13/06/2022 Lượt xem: 4276 In bài viết

ĐBP - Sáng nay, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến và đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Đồng thời có ý kiến tham gia về việc điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi và chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Cần có khung pháp lý cụ thể điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi

Theo đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì trong nhiều thập niên qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết được ban hành, cụ thể hóa trong hệ thống pháp luật và được tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận sáng 13/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tổng kết chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ dưới 5 tuổi trên toàn quốc đã giảm từ 29,3% năm 2010 xuống còn 19,6% năm 2020. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn chênh lệch lớn giữa các vùng miền, cụ thể: khu vực thành thị là 12,4%, nông thôn là 14,9% và miền núi là 38%. Như vậy, ở địa bàn miền núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng vẫn là cao nhất.

“Tính tổng cả 10 năm (từ 2010 - 2020), chúng ta chỉ giảm được 9,7%. Từ con số này cho thấy, trong một năm để giảm 1% số trẻ suy dinh dưỡng là một vấn đề rất khó khăn, nan giải. Vậy, để giảm được tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng với số liệu năm 2020 là 19,6% chúng ta sẽ mất bao nhiêu năm?”, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đặt câu hỏi.

Để can thiệp và điều trị kịp thời vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, cần có khung pháp lý và cơ chế cấp kinh phí cho việc quản lý và điều trị. “Bệnh này cần được điều trị như các bệnh khác và có cơ chế chi trả điều trị từ Quỹ Bảo hiểm y tế. Suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị hiệu quả bằng cách sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt, được kê đơn theo hướng dẫn y tế. Đây là giải pháp đơn giản nhưng bền vững, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, góp phần thực hiện an sinh xã hội và đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hiện nay, chúng ta đang có chính sách cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi, nhưng Quỹ Bảo hiểm y tế không có danh mục chi cho điều trị bệnh suy dinh dưỡng cho trẻ vì sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt không phải là thuốc, nên không có trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả”, đại biểu Lò Thị Luyến khẳng định.

Tại Điều 73 dự thảo luật có quy định chính sách chung về dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị. Theo đó, đối với người bệnh ngoại trú thì được khám, sàng lọc, đánh giá và tư vấn về dinh dưỡng. Đối với người bệnh điều trị nội trú được chỉ định sử dụng dinh dưỡng sớm và điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý. Theo đại biểu Luyến, cần quy định rõ tiết chế trong điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ em cả điều trị nội trú và điều trị ngoại trú theo hướng được khám, sàng lọc, đánh giá, tư vấn dinh dưỡng, chỉ định dùng sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt vì điều trị cho một trẻ suy dinh dưỡng phải mất thời gian tương đối dài.

Từ những phân tích trên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị, việc điều trị suy dinh dưỡng cấp tính ở trẻ em dưới 5 tuổi cần được nghiên cứu và quy định cụ thể trong dự thảo luật, đảm bảo có quy định pháp lý rõ ràng, làm cơ sở cho việc chi trả nguồn kinh phí từ Quỹ Bảo hiểm y tế để can thiệp và điều trị sớm cho trẻ em suy dinh dưỡng tại nước ta hiện nay. Đây chính là sự cụ thể hóa một phần nội dung “Nhà nước có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” được quy định tại Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội sửa đổi lần này.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán đánh giá, nếu áp dụng việc chi trả để điều trị suy dinh dưỡng cấp tính cho trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn quốc thì mỗi năm kinh phí chi trả sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng chi của quỹ bảo hiểm y tế?

Chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được quan tâm hơn nữa

Thượng tọa Thích Đức Thiện, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, sức khỏe là trạng thái thoải mái toàn diện về thể chất, tinh thần và xã hội. Các yếu tố chính quyết định đến sức khỏe như môi trường kinh tế và xã hội, môi trường tự nhiên và đặc điểm, ứng xử của các cá nhân trong xã hội. Các yếu tố này ngày càng ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tâm thần. Theo Phật giáo, con người gồm tập hợp của năm yếu tố: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Yếu tố “sắc” thuộc về vật chất, còn lại bốn yếu tố “thọ, tưởng, hành, thức” là thuộc về tâm, tâm thức, tinh thần, tâm thần. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được cả xã hội hết sức chú ý quan tâm. Khám và chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tâm thần cần được hệ thống y tế hiện nay quan tâm hơn nữa.

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận sáng 13/6, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Thượng tọa Thích Đức Thiện thông tin, thời gian gần đây báo chí đã liên tiếp đưa tin xảy ra những vụ việc đau lòng về các vụ tự tử ở một số địa phương trên cả nước. Có thể nói áp lực cuộc sống, thu nhập, công ăn việc làm, nhu cầu xã hội ngày càng cao và luôn luôn không được thỏa mãn, xung đột gia đình, dịch bệnh, như dịch bệnh Covid-19 vừa qua…theo phân tích chuyên môn của các chuyên gia làm gia tăng tỷ lệ người bị lo âu, trầm cảm, có ý tưởng tự sát và toan tự sát. Dựa vào các khảo sát xã hội học, UNICEF đưa ra mối quan ngại lớn đến sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên thời gian gần đây.

Đối với Việt Nam thì chăm sóc sức khỏe tâm thần là một vấn đề khá nghiêm trọng. Hiện nay trong hệ thống chăm sóc sức khỏe y tế còn rất thiếu thốn cả về nguồn nhân lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trong xã hội còn tồn tại quan niệm sai lệch, sự kỳ thị, coi đó là bệnh điên, hoặc nhiều người cho đó là ma ám, ma làm, quỷ ám… đồng thời có nhiều cách thức ứng xử không phù hợp, thậm chí là rất mê tín, dị đoan.

Do đó, đề nghị Chính phủ cần tập trung phát triển, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở tất cả các tuyến bệnh viện đến cả tuyến cơ sở nhằm kịp thời dự phòng, phát hiện sớm, điều trị, chăm sóc người bệnh có biểu hiện rối loạn sức khỏe tâm thần, không chỉ đơn thuần quy định hình thức bắt buộc chữa bệnh như tại Điều 67 Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đồng thời, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung chức danh Chuyên gia trị liệu tâm lý vào nhóm chức danh nghề nghiệp tại Điều 18 Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). “Họ là những người hành nghề tham vấn, trị liệu tâm lý qua các liệu pháp trò chuyện giảng giải, giải tỏa tâm lý, giải phóng áp lực bằng những năng lượng tích cực”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nêu ý kiến.

Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top