Quy định chế tài cụ thể bảo đảm dân giám sát, dân thụ hưởng

14:15 - Thứ Ba, 14/06/2022 Lượt xem: 4226 In bài viết

Tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần có cơ chế để nhân dân phát huy hơn nữa quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình khi tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, sáng 14/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên.

Theo đại biểu, cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nghiên cứu bổ sung 1 điều về nhân dân giám sát tại Chương II dự án Luật để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng.

Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân, bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… đối với nhân dân địa phương.

Đại biểu Lương Văn Hùng kiến nghị ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân, ngoài ra phải quy định chế tài cụ thể để bảo đảm điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng.

Theo đó, nếu cán bộ không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng, đồng thời xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Đại biểu Cầm Hà Chung phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 14/6. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Liên quan trách nhiệm tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Cầm Hà Chung (Phú Thọ) cho biết, báo cáo tổng kết thi hành pháp luật để thực hiện dân chủ ở cơ sở cho thấy, nhiều nơi còn hình thức, nhất là đối với các nội dung, hình thức mà chính quyền, cơ quan chức năng phải công khai để người dân, người lao động được bàn luận, tham gia ý kiến. Một trong các nguyên nhân là do trách nhiệm của tập thể, cá nhân quy định trong văn bản pháp luật chưa rõ ràng, đầy đủ.

Để khắc phục bất cập trên, đại biểu cho rằng cần quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các cơ quan, tổ chức trong các khâu thực hiện dân chủ cơ sở, bảo đảm các tổ chức chính trị xã hội, nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm làm chủ của mình.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định rõ và đầy đủ quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện dân chủ cơ sở, nhấn mạnh khâu chủ động đề xuất các vấn đề nhân dân, người lao động quyết định, tham gia ý kiến.

Đại biểu Sùng A Lềnh phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 14/6. (Ảnh: KHOA NGUYÊN)

Theo đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai), để bảo đảm và phát huy rộng rãi quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ phương châm đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, đó là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, dự thảo Luật chủ yếu mới cụ thể hóa được nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định, còn nội dung dân kiểm tra, giám sát, dân thụ hưởng thì chưa được thể hiện rõ nét.

Đại biểu cũng chỉ rõ, việc phân biệt giữa dân kiểm tra và giám sát còn chưa có căn cứ chung, khó xác định để tăng cường các hình thức dân chủ trực tiếp của người dân đã được nêu trong Hiến pháp.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật cần làm rõ hơn các quy định về nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát, hiệu lực và các kiến nghị thực hiện sau kiểm tra, giám sát của người dân, đồng thời tiếp tục nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế dân thụ hưởng tại loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở bởi đây là điểm mới quan trọng của dự án Luật này.

Nâng cao thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp

 Đại biểu Trần Nhật Minh phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 14/6. (Ảnh: LINH NGUYÊN)

Liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) cho biết, thực tế thời gian qua, việc thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước chưa được như mong muốn. Như báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở của Bộ Nội vụ đã nêu, nhiều doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa xây dựng quy chế dân chủ. Tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức công đoàn khu vực ngoài nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tổ chức hội nghị người lao động còn thấp, đạt khoảng 64% doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn, gần như không tổ chức hội nghị người lao động theo quy định.

Đại biểu chỉ rõ nguyên nhân của vấn đề này là do một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa nhận thức đúng ý nghĩa của việc tổ chức thực hiện quy chế dân chủ doanh nghiệp nên chưa chủ động phối hợp mà chủ yếu do Ban chấp hành công đoàn cơ sở đề xuất, nên việc thực hiện quy chế dân chủ còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Một số doanh nghiệp không tổ chức lấy ý kiến của đa số người lao động nhưng vẫn ký thỏa ước lao động tập thể…

Theo đại biểu, việc thực hiện dân chủ doanh nghiệp cần được quan tâm đúng mức, phải nghiên cứu, rà soát, xây dựng các quy định của pháp luật để khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật lao động như đối thoại doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể, giải quyết tranh chấp lao động, hợp đồng lao động được quy định tại Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật khác để không có sự trùng lặp, chồng chéo giữa hệ thống pháp luật về dân chủ cơ sở và hệ thống pháp luật lao động.

Đại biểu Trần Quốc Quân nêu ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 14/6. (Ảnh: NGUYÊN KHOA)

Cũng liên quan thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, đại biểu Trần Quốc Quân (Long An) cho rằng, thực tế trong thời gian qua, việc công khai và thực hiện dân chủ tại các doanh nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là việc công khai các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Đại biểu đề nghị trong dự thảo luật có một số nội dung quy định về đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước. Do doanh nghiệp nhà nước là một tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng các nguồn đầu tư công của nhà nước nên cần thiết phải có những quy định mang tính chất đặc thù để quản lý, kiểm soát việc sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát việc tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu có.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm các quy định chi tiết hơn về các nội dung doanh nghiệp phải công khai, liên quan đến quyền và lợi ích trực tiếp của người lao động.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top