Dấn thân để có tác phẩm hay

07:52 - Thứ Năm, 16/06/2022 Lượt xem: 5222 In bài viết

ĐBP - Để thành công, nghề nào cũng cần sự tâm huyết. Đặc biệt với nhà báo, tác nghiệp ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, để có những tác phẩm chất lượng, phản ánh chân thực cuộc sống thì ngoài sự nỗ lực, cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, hiểm nguy thì cần phải có niềm đam mê, khát vọng, sự dấn thân để cống hiến...

Nhà báo Sầm Phúc tác nghiệp tại Trung tâm Y tế huyện Tuần Giáo.

Từ những ngày đầu dịch bệnh Covid-19 bùng phát, đặc biệt là từ tháng 11/2021 trên địa bàn tỉnh Điện Biên xuất hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2, phóng viên của nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương đã có mặt ở các vùng tâm dịch, như: Huyện Điện Biên; TP. Điện Biên Phủ, Tuần Giáo... Phóng viên Phạm Quang (Báo Điện Biên Phủ) đã không ngại khó, ngại khổ, hiểm nguy để luôn có mặt tại các điểm “nóng”, khu cách ly để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất. Với anh dù có đôi chút lo lắng nhưng đã nhận nhiệm vụ là sẵn sàng lên đường. Trong suốt đợt dịch bệnh bùng phát mạnh là những ngày phóng viên Phạm Quang và các đồng nghiệp ở các cơ quan thông tấn không ngưng nghỉ để mạch thông tin về diễn biến của dịch được liên tục cập nhật đến với độc giả. Phóng viên Phạm Quang bộc bạch: “Nếu nói không lo lắng, đôi chút sợ hãi khi bước vào tâm dịch thì cũng không đúng, nhất là bản thân tôi có con nhỏ. Chính vì vậy, tôi luôn ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch, phun xịt khử khuẩn liên tục, học cách mặc và cởi đồ bảo hộ theo đúng trình tự như bác sĩ hướng dẫn để bảo vệ mình an toàn khi tác nghiệp. Tác nghiệp trong cái nắng nóng, phải trùm lên người bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra ướt đẫm, vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, khi vào trong vùng tâm dịch, khu cách ly tập trung, tận mắt chứng kiến lực lượng tuyến đầu (y tế, công an, bộ đội, thanh niên...) và chính quyền địa phương đang căng mình chống dịch, chúng tôi cũng quên đi những vất vả của mình, quên cả những hiểm nguy đang rình rập, chỉ mong sao có những hình ảnh, những dòng tin chính xác, nhanh chóng và kịp thời chuyển tải đến bạn đọc.

Hơn 9 năm làm báo, gần 5 năm được giao thực hiện tác phẩm báo chí thuộc mảng xây dựng Đảng, đây vừa là vinh dự cũng là thử thách không nhỏ đối với tôi. Trong quãng thời gian ấy, kỷ niệm làm báo thì nhiều, nhưng những chuyến tác nghiệp về công tác Đảng ở cơ sở luôn để lại ấn tượng khó phai, mà ở đó các tác phẩm của tôi thấm đẫm mồ hôi và những chuyến hành trình dài ngày. Gắn bó với mảng xây dựng Đảng vốn được coi là “3K” (khó - khô - khổ). Để có bài viết hay về xây dựng Đảng, trước hết tác phẩm đó phải “đúng và trúng”. Ngoài viết đúng đường lối, quan điểm, định hướng chính trị, nhà báo còn cần chọn vấn đề tiêu biểu, cụ thể, nêu trúng vấn đề bạn đọc quan tâm. Bài viết cần giản dị, dễ hiểu, chọn lọc những chi tiết độc đáo, bình luận gợi mở, sắc sảo; khắc phục cách viết khô khan, nặng về số liệu, báo chí hóa các bản báo cáo...

Vì thế, ngoài sự giúp đỡ, động viên của Ban Biên tập, lãnh đạo phòng, tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn, bám sát chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng. Đặc biệt, phải thấm nhuần nghị quyết chứ không đơn thuần là thuộc nghị quyết. Từ nghị quyết soi vào thực tiễn và từ thực tiễn khái quát trở lại nghị quyết. Tích cực đi sâu, đi sát cơ sở, tôi gặp được nhiều cá nhân điển hình, cách làm hay trong sinh hoạt chi bộ, công tác dân vận hay tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết. Cùng với đó, việc tham gia cuộc thi báo chí về xây dựng Đảng, đã giúp tôi có thêm cơ hội thử khả năng của bản thân để tìm ra những đề tài hay, cách thể hiện mới nhằm mang đến cho người đọc những tác phẩm chất lượng. Nhờ đó, tôi có cơ hội nâng cao nhận thức, hiểu biết chính trị và trưởng thành lên qua từng trang viết.

Còn nhớ tháng 8/2021, thực hiện tác phẩm “Củng cố, xây dựng “pháo đài” của Đảng trong dân tộc rất ít người”, tôi đã có chuyến đi thực tế dài ngày ở khắp các bản người Cống, Si La nơi biên giới: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé. Sau thời gian dài ấp ủ ý tưởng, tôi chủ động xây dựng đề cương, được Ban Biên tập, lãnh đạo phòng định hướng bài viết sát với thực tiễn... Tôi đã lên kế hoạch cụ thể, đi về cơ sở cùng ăn, cùng ở với bà con; nắm bắt hoạt động, cách làm sáng tạo của các chi bộ đảng người Cống, Si La trong tạo nguồn, tìm “hạt giống đỏ” để giới thiệu cho Đảng, đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, gương điển hình tiên tiến... Từ đó phản ánh chân thực đời sống, xã hội của đồng bào dân tộc rất ít người. Nhiều năm qua, với sự trợ giúp của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án và trên hết là sự nỗ lực bền bỉ, dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, tìm tòi mô hình mới trong phát triển kinh tế đã giúp đồng bào người Cống, Si La từng bước vượt qua nghèo đói, thoát khỏi vùng “lõi nghèo” của tỉnh. Đặc biệt, từ những bản “trắng” đảng viên, “trắng” chi bộ, sau nhiều năm nỗ lực đến nay đồng bào dân tộc rất ít người (Cống, Si La) đã xây dựng được riêng chi bộ Đảng để lãnh đạo nhân dân về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo vệ biên cương... Với niềm tin sắt son theo Đảng, phát huy vai trò tiên phong của các tổ chức đảng, đảng viên, đồng bào người Cống, người Si La đã cùng đoàn kết, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống no ấm, đủ đầy; mỗi bản mường đã trở thành những “pháo đài” vững chãi cùng với bộ đội biên phòng kiên cường bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Dù phải đối diện, đương đầu với nhiều hiểm nguy, vất vả; nhưng với trách nhiệm của mình, những người làm báo chân chính - “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa” chưa bao giờ nản chí. Họ vẫn hàng ngày, hàng giờ cần mẫn tìm, phát hiện đề tài, nghiên cứu và khi cần luôn dấn thân, có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, điểm “nóng” để làm tròn sứ mệnh được giao.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top