Cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

07:39 - Thứ Hai, 20/06/2022 Lượt xem: 4687 In bài viết

ĐBP - Các cơ quan, địa phương của tỉnh đã có nhiều giải pháp nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đo lường mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, thứ hạng chỉ số PAPI tỉnh không ổn định, tính bền vững của các chỉ số thành phần chưa cao, đặt ra yêu cầu cần triển khai các giải pháp cải thiện chỉ số thực chất và bền vững hơn.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” huyện Điện Biên Đông xử lý thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường mạng.

Năm 2021 chỉ số PAPI tỉnh Điện Biên đạt tổng 37,23/80 điểm, giảm 3,91 điểm so với năm 2020 và đứng cuối bảng xếp hạng. Trong tất cả nội dung của chỉ số PAPI năm 2021, tỉnh Điện Biên chỉ có chỉ số “thủ tục hành chính công” đạt điểm cao nhất với 7,11 điểm; là chỉ số duy nhất có điểm số tăng so với năm trước. Còn lại 7/8 chỉ số giảm hạng, đứng ở nhóm đạt điểm thấp nhất và giảm điểm so với năm 2020, gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử. Bên cạnh đó, nhiều chỉ số thành phần đạt thấp, như: Chỉ số thành phần tiếp cận thông tin (thuộc chỉ số công khai, minh bạch) chỉ đạt 0,78 điểm; giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân (thuộc chỉ số trách nhiệm giải trình với người dân) đạt 0,46 điểm; hay nội dung phúc đáp qua cổng thông tin điện tử (chỉ số quản trị điện tử) chỉ đạt 0,39 điểm...

Dịch bệnh Covid-19 không chỉ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh, mà còn tác động đáng kể đến hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền ở nhiều lĩnh vực và ảnh hưởng tới điểm số ở nhiều chỉ tiêu trong PAPI. Đơn cử, sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân vào các dự án cơ sở hạ tầng địa phương nơi họ sinh sống xuống mức thấp kể từ khi PAPI thực hiện khảo sát toàn quốc năm 2011 đến nay. Điều này phản ánh phần nào tác động của Covid-19 đối với khả năng chi trả của người dân, khiến việc huy động đóng góp của người dân cho các công trình hạ tầng cơ sở khó khăn hơn. Người tham gia đóng góp cũng ít khi được tham vấn ý kiến. Tỉ lệ người trả lời cho biết họ được mời tham gia đóng góp ý kiến cho dự án xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng trong giai đoạn thiết kế còn thấp.

Tuy nhiên, Covid-19 chỉ là một nguyên nhân. Các chỉ số ít liên quan trực tiếp đến dịch Covid-19 cũng có xu hướng thay đổi đáng lo ngại. Đơn cử, về “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”, năm 2021 chứng kiến sự sụt giảm điểm về việc người dân đánh giá việc công bằng trong tuyển dụng vào Nhà nước (năm 2020 điểm chỉ số thành phần đạt 1,07 điểm, nhưng năm 2021 giảm còn 0,74 điểm). Sự giảm điểm chỉ số PAPI cũng phải kể đến một số nguyên nhân chủ quan, như: Việc nắm bắt, quan tâm đến chỉ số PAPI trong một bộ phận cán bộ, công chức nhất là cấp xã vẫn còn hạn chế. Một số nơi, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ chưa cao; kết quả giải quyết thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu tổ chức, cá nhân, để người dân còn phải đi lại nhiều lần, chậm trễ trong giải quyết. Việc công khai, minh bạch trong một số chính sách tại địa phương chưa được quan tâm nhiều, nhất là công khai, chia sẻ thông tin với người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công khai các dự án, công khai các khoản đóng góp tự nguyện của người dân.

Chỉ số PAPI nhằm đo lường, đánh giá tính hiệu quả về quản trị và hệ thống hành chính công cấp tỉnh dựa vào sự tham gia của người dân; đánh giá mức độ hài lòng, phản ánh nguyện vọng của nhân dân đối với các cấp chính quyền. Thực hiện tốt chỉ số PAPI cũng là một trong những giải pháp góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ Nhân dân. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chất lượng điều hành, qụản trị và hành chính công của bộ máy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, cần có sự thay đổi trong quản trị, điều hành công việc. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người dân hiểu về chỉ số PAPI; từ đó tạo sự thay đổi nhận thức về hành chính công, tạo được mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và người dân. Tăng cường công khai, minh bạch trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự án, công trình đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khung giá đền bù; thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ, chính sách của người dân...

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top