ĐBP - Đó là điều mỗi cấp ủy, chính quyền đều nỗ lực hướng tới. Tại xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng cũng vậy, nhờ các hành động thực tế cùng công tác tuyên truyền, vận động của xã, nhân dân các bản trên địa bàn không chỉ tin tưởng vào chủ trương, chỉ đạo, triển khai thực hiện các vấn đề mà còn có nhận thức ngày càng cao, dám nghĩ dám làm, vươn lên thoát nghèo.
Trên địa bàn xã Ẳng Cang hiện đang chuẩn bị triển khai 1 dự án lớn là đường liên huyện Hua Ná - Pá Liếng (xã Ẳng Cang) đi Lọng Khẩu Cắm (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) và một mô hình kinh tế mới được kỳ vọng lớn là nuôi cá lồng trên hồ Ẳng Cang. Nhờ dân vận khéo với nhiều hình thức, cả hai đều nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ phía người dân.
Công tác chuẩn bị cho mô hình nuôi cá lồng bè trên hồ Ẳng Cang đã cơ bản hoàn thiện, sẵn sàng cho việc bàn giao, thả cá. Lần đầu tiên triển khai mô hình này, UBND xã Ẳng Cang thực hiện thí điểm với 6 hộ dân bản Mánh Đánh tham gia. Theo đó các hộ được hỗ trợ giống cá (trắm, rô phi) và thức ăn cho cá; lồng cá do nguồn vốn khác của huyện hỗ trợ; kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng trị bệnh do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn. Trước đó, trong tháng 5, lãnh đạo, cán bộ khuyến nông xã cùng đại diện 10 hộ dân bản Mánh Đanh (do bản lựa chọn) đã được đi nghiên cứu, trao đổi, tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi cá lồng, bè chất lượng cao tại tỉnh Sơn La do HĐND huyện tổ chức.
“Trước khi đi, xã đã nhiều lần tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế tận dụng lợi thế lòng hồ Ẳng Cang. Sau khi người dân đi tham quan học hỏi về, xã tổ chức họp dân triển khai, lấy ý kiến người dân về việc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên hồ thì các hộ đều sôi nổi, đồng thuận. Dù là mô hình mới, chưa từng có tại địa bàn, nhưng 43 hộ dân đã mạnh dạn đăng ký tham gia. Tuy nhiên để thử nghiệm, chứng thực hiệu quả, ban đầu xã mới triển khai mô hình hỗ trợ cho 6 hộ, ưu tiên hộ nghèo, với thể tích 50m3/lồng, người dân vẫn nhiệt tình ủng hộ và quan tâm” - ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang cho biết.
Ông Lường Văn Lả, Bí thư Chi bộ bản Mánh Đanh cũng chia sẻ: “Trong các cuộc họp tại huyện, xã, rồi lên làm việc tại bản, tham gia họp bản, cán bộ các cấp đã nhiều lần phổ biến, nhắc đến, trò chuyện riêng có, tuyên truyền đông người cũng có về việc phát triển các mô hình kinh tế khai thác lợi thế hồ Ẳng Cang, như: Nuôi vịt, nuôi cá lồng bè, phát triển du lịch... Từ đó người dân cũng dần nâng cao nhận thức, hiểu biết, mong muốn thay đổi, khi có hồ, có đường vào thuận tiện thì sẽ tích cực phát triển các mô hình kinh tế, dịch vụ để xóa đói giảm nghèo bền vững. Bởi vậy khi có chủ trương và triển khai nuôi cá lồng, bà con rất ủng hộ. Những hộ được cắt cử đi tham quan, học hỏi về đều chia sẻ với người dân trong bản để cùng nhau phát triển mô hình này. Dù thí điểm chỉ 6 hộ nhưng là niềm vui của cả bản”.
Còn tuyến đường liên huyện Hua Ná - Pá Liếng (xã Ẳng Cang) đi Lọng Khẩu Cắm (Mường Phăng) chạy qua 3 bản Hua Nặm, Mánh Đanh, Pá Liếng với gần 60 hộ dân bị ảnh hưởng. Dự án đang trong quá trình kiểm đếm phạm vi ảnh hưởng, tiến hành giải phóng mặt bằng. Diện tích đất thu hồi hầu hết là nương canh tác của người dân. Xã phối hợp với các phòng, ban, đơn vị chuyên môn huyện đã nhiều lần phổ biến chủ trương, thông tin về dự án, tuyên truyền vận động nhân dân nên bà con đều hiểu về ý nghĩa, sự cần thiết của con đường và đồng thuận cao.
Anh Vừ A Thấy, Bí thư Chi bộ bản Hua Nặm cho biết: “Huyện và xã nhiều lần gặp gỡ dân, họp bản tuyên truyền về con đường. Tại Hua Nặm, 12 hộ có đất sản xuất thuộc diện thu hồi làm đường, hộ nhiều thì 3.000 - 4.000m2 nương, ít thì vài trăm mét vuông, cơ bản không ảnh hưởng gì nhiều đến canh tác và cuộc sống bà con. Bà con đều nhất trí và mong chờ con đường sớm được thi công. Hiện tại đường xuống xã chỉ có 7km nhưng đi rất khó, mùa mưa sạt lở nhiều, phải đi bộ. Nếu có đường mới sẽ thuận lợi hơn nhiều cho người dân bán nông sản, và còn có thể mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, như năm vừa rồi nhiều hộ chuyển đổi từ ngô sang dong riềng”.
Việc triển khai các mô hình, dự án trên địa bàn Ẳng Cang có thể thấy đang diễn ra thuận lợi với sự đồng thuận cao của nhân dân. Sự suôn sẻ ấy, đương nhiên đến từ chính mô hình, dự án đã vì lợi ích nhân dân, mang lại nhiều giá trị, cùng với đó là sự tuyên truyền, vận động, sâu sát cơ sở của cấp ủy, chính quyền để dân tin, dân hiểu, dân làm. Ông Đào Duy Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Ẳng Cang chia sẻ: Ẳng Cang dù gần trung tâm huyện nhưng còn nhiều khó khăn với nhiều bản vùng cao. Người dân chất phác nhưng nhận thức, hiểu biết còn hạn chế nên để tuyên truyền, vận động nhân dân, chúng tôi gần gũi, trò chuyện, chia sẻ với người dân, sử dụng câu từ dễ nghe, dễ hiểu chứ không văn vẻ, trịnh trọng. Người dân hiểu, nhận thức được thì sẽ đồng thuận. Việc tuyên truyền, vận động không chỉ giúp người dân nắm rõ về mô hình, dự án ấy mà còn góp phần dần nâng cao hiểu biết cho người dân, bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại, thêm ý chí học hỏi, vươn lên trong cuộc sống.