Tự hào về sự phát triển của tỉnh

07:20 - Thứ Năm, 18/08/2022 Lượt xem: 6853 In bài viết

ĐBP - Hàng năm, mỗi độ Tháng Tám về, người dân đất Việt lại xốn xang, tự hào ôn lại mùa thu cách mạng năm 1945 đầy khí thế hào hùng. 77 năm đã trôi qua từ sự kiện mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, đất nước ta nói chung, tỉnh nhà nói riêng thay đổi vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Các thế hệ người dân Điện Biên đều nhận thấy rõ những nỗ lực đổi mới, phát triển trên mảnh đất quê hương, và tự hào về điều đó.

Ông Sùng A Chứ (SN 1961), Phó Trưởng dòng họ Sùng, bản Phiêng Bi, xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo:

Nhờ cách mạng thành công, đất nước giải phóng, người dân tộc Mông vùng cao chúng tôi mới được khai sáng, đi học cái chữ. Tuy nhiên khi ấy phải đi bộ, băng rừng, lội suối, vác gạo đến lớp mất nhiều thời gian mới tới. Vì thế người dân trong vùng vẫn ngại đi học, chưa quan tâm đến học hành. Những năm 1970, tôi cũng được xuống trường thanh niên ở thị trấn Tuần Giáo theo học. Đến năm 1979, tôi tiếp tục học tại Thái Nguyên. Những năm tháng ấy là khoảng thời gian vô cùng khó khăn, đi lại rất vất vả nhưng là người may mắn thứ 6 trong dòng họ được học chuyên nghiệp nên bản thân luôn tự nhắc mình cố gắng vượt qua. Sau khi tốt nghiệp tôi về công tác trong lực lượng công an đến năm 2016 nghỉ hưu.

Thấy được sự quan trọng của học hành, gia đình tôi và cả dòng họ Sùng luôn bảo ban con cháu học tập tốt, dù có khó khăn mấy cũng không bỏ học giữa chừng. Vì thế, cùng với sự phát triển chung của quê hương, dòng học Sùng cũng như mảnh đất Phiêng Bi ngày càng đổi thay tích cực. 4/4 người con của tôi đều có bằng chuyên nghiệp. Con, cháu trong dòng họ cũng cứ thế đua nhau học tập. Dòng họ Sùng tại xã Pú Nhung hiện có hơn 140 hộ với khoảng 700 nhân khẩu, tại bản Phiêng Pi có 73 hộ. Hơn 20 người con của dòng họ Sùng học cao, đỗ đạt, được tuyển dụng về công tác tại cơ quan, đơn vị các cấp, đóng góp cho xã hội. Không chỉ học tập, các hộ dân họ Sùng đã nỗ lực xóa đói, giảm nghèo, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với những cố gắng đó, trải qua các thời kỳ lịch sử, họ Sùng luôn là một trong số những dòng họ tiêu biểu tại địa phương này. Con cháu họ Sùng vẫn luôn noi theo tấm gương chiến đấu, hi sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Sùng Phái Sinh (người con Pú Nhung, hi sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp) để xây dựng, vun đắp quê hương.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, tổ dân phố 8, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ:

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược. Đến năm 1953, chúng ta đã làm chủ trên các chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta. Mùng 7/5/1954, quân dân ta gây chấn động địa cầu với Chiến thắng Điện Biên Phủ, phá tan tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, đánh đuổi thực dân Pháp khỏi lãnh thổ.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư trò chuyện với thế hệ trẻ.

Giành được độc lập, tự do, mảnh đất Điện Biên khi ấy khí thế tưng bừng lắm nhưng khó khăn vô cùng với tàn tích chiến tranh. Sau giải phóng, cả vùng đất hoang sơ, chưa có lấy 1 cái xe đạp, không nhà nào có 1 viên gạch, đường đi vẫn lội qua ruộng. Nhưng giờ đây đã khác quá nhiều, thay đổi không kể hết được, tốc độ xây dựng, kiên cố hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá nhanh, nhà cửa khang trang, san sát, đường xá mở rộng đến mọi nơi, xe cộ đông đúc, hiện đại... Ngoài những cứ điểm, nơi giao tranh ngày xưa được bảo vệ, phát huy, trở thành điểm di tích nổi tiếng, thu hút khách du lịch thì các tàn tích chiến tranh đều không còn nhận thấy. Một Điện Biên Phủ máu và lửa năm xưa đã trở thành mảnh đất đáng sống, trên đà phát triển. Tuy nhiên để xứng đáng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trong sự nghiệp đổi mới hôm nay mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân cần ra sức nỗ lực, cống hiến, sáng tạo, chủ động hơn nữa để Điện Biên phát triển xứng tầm, làm thế nào cho danh tiếng Điện Biên tiếp tục vang xa.

Ông Lường Văn Khụt, Chủ tịch Hội Nông dân xã Pá Khoang, TP. Điện Biên Phủ:

Năm nay tôi đã gần nghỉ hưu. Bao năm công tác và sinh sống tại đây, tôi chứng kiến rõ sự đổi thay của Pá Khoang trên từng chặng đường. Xã Pá Khoang đã 2 lần thay đổi địa giới hành chính. Đó là năm 2012, Pá Khoang được chia tách từ xã Mường Phăng, thành lập mới. Đến năm 2020, Pá Khoang được tách khỏi huyện Điện Biên, sáp nhập vào TP. Điện Biên Phủ. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và đổi thay về địa giới hành chính, Pá Khoang đã khoác lên mình chiếc áo mới. Mảnh đất này trước kia vốn là địa bàn vùng sâu, vùng xa, kinh tế - xã hội chậm phát triển, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu thốn; bộ máy chính quyền cũng còn non trẻ. Ngoài ra, 98% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, 100% gia đình trong xã sống dựa vào canh tác ruộng nước, nhưng còn thiếu công trình thủy lợi kiên cố phục vụ tưới tiêu, trình độ sản xuất lạc hậu. Bởi vậy khi mới thành lập, hộ đói nghèo còn chiếm trên 40%, nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế  - xã hội xã.

Ông Lường Văn Khụt (bên trái), bản Đông Mệt, xã Pá Khoang kiểm tra cây trồng.

Nhưng nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, thành phố, Pá Khoang thay đổi từng ngày. Đường đi lại ngày càng thuận tiện, nhiều đường giao thông kiên cố liên xã, liên bản, nội bản được hoàn thành. Nhiều mô hình kinh tế, hỗ trợ giống, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được triển khai tại địa bàn, đặc biệt là phát triển mô hình trang trại, gia súc, gia cầm, trồng lúa... được quan tâm, tạo điều kiện. Vì vậy bà con xã viên có cuộc sống ngày càng ấm no, khá giả. Hơn thế nữa nhiều hộ còn được hỗ trợ xóa nhà tạm. Năm 2021 đến nay, toàn xã có 37 gia đình khó khăn được giúp đỡ “xóa” nhà tạm, thay bằng nhà kiên cố, khang trang. Cả xã chỉ còn 1 nhà tạm, đã có kế hoạch “xóa” trong năm nay. Nhiều bản được đầu tư xây dựng nhà văn hóa, điện kéo đến từng bản, đời sống nhân dân ngày càng ổn định và phát triển. Pá Khoang đang trên đường cán đích nông thôn mới, cùng với sự cố gắng của nhân dân, Pá Khoang mong tiếp tục được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để bước đi vững chãi trên chặng đường tiếp theo.

Nguyễn Hiền (ghi)
Bình luận

Tin khác

Back To Top