Nậm Pồ chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

06:54 - Thứ Hai, 05/09/2022 Lượt xem: 5151 In bài viết

ĐBP- Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, hướng tới sự hài lòng của nhân dân, Huyện ủy Nậm Pồ đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/HU về “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021 - 2025”. Sau 1 năm triển khai, đội ngũ CBCCVC người DTTS đã từng bước nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy năng lực tham mưu giúp cấp ủy đảng thực hiện tốt công tác điều hành và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Cán bộ xã Nà Bủng tuyên truyền vận động nhân dân chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự.

Đặc thù của huyện vùng cao, biên giới nên đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở ở Nậm Pồ chủ yếu là người DTTS. Vì vậy, ngay khi Nghị quyết 15-NQ/HU được ban hành, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo UBND các xã rà soát, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của cơ quan, đơn vị mình; thường xuyên cử cán bộ, nhất là người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đa dạng các hình thức tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển đội ngũ cán bộ DTTS, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt, huyện xác định rõ vị trí, vai trò của cán bộ người DTTS trong hệ thống chính trị huyện, xã, đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các cấp theo quy định. Việc chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng luôn bảo đảm khách quan, dân chủ trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch cán bộ; chú trọng ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trong quy hoạch, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS. Đến nay, toàn huyện có 56 lượt CBCCVC là người DTTS bồi dưỡng về lý luận chính trị, 89 lượt bồi dưỡng quản lý nhà nước, 538 CBCCVC bồi dưỡng theo vị trí việc làm, 876 lượt bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành; 198 người bồi dưỡng theo hạng chức danh nghề nghệp... Qua đánh giá, sau đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao về trình độ, nhận thức, năng lực thực tiễn, tác phong, lề lối làm việc; tích cực tiếp cận cơ chế quản lý mới của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, xã, cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 15-NQ/HU cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, kết quả đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC người DTTTS trên địa bàn huyện Nậm Pồ chưa tạo được nhiều đột phá trong phát triển nguồn nhân lực của huyện; nhất là nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn bộc lộ nhiều hạn chế. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu trọng tâm, trọng điểm; nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu người học là người DTTS. Phương thức đào tạo chậm đổi mới, thiếu linh hoạt, chưa tạo thuận lợi cho cán bộ bố trí công việc phù hợp để tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tập trung ở trường. Đặc biệt, việc đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với địa chỉ cần quy hoạch sử dụng, chưa bám sát các chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với cán bộ người DTTS...

Xác định đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là CBCCVC người DTTS là nhiệm vụ đột phá, vừa mang tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài... Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện; toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn dài hạn; đảm bảo tính kế cận, hài hòa về cơ cấu và cân đối nhân lực theo ngành, lĩnh vực. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Tiếp, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nậm Pồ: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện các chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ; phát triển cán bộ nữ, trẻ, thu hút nhân tài; coi trọng xây dựng kế hoạch chi tiết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS theo lộ trình, nhiệm kỳ đảm bảo tính liên tục, kế thừa các thế hệ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp. Đồng thời, tăng cường quy hoạch cán bộ trẻ người DTTS, có kế hoạch gửi đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tri thức, cập nhật thông tin, bổ sung và hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo, quản lý, năng lực chuyên môn... Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, bồi dưỡng, hạn chế tính hình thức, phô trương, thành tích không thực chất, gây lãng phí ngân sách Nhà nước. Có kế hoạch luân chuyển, bố trí cán bộ là người DTTS theo quy hoạch; bố trí cán bộ là người DTTS có đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; từ đó góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống của nhân dân.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top