Bài dự thi Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết thấu lòng dân

12:06 - Thứ Ba, 18/10/2022 Lượt xem: 6109 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm (2021 - 2025). Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/QN-CP ngày 30/1/2022, về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình (sau đây gọi tắt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ). Đến nay, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã đi vào đời sống, từng bước phát huy hiệu quả, giúp lao động địa phương có điều kiện làm việc, góp phần ổn định và cải thiện đời sống kinh tế; học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có thiết bị phục vụ học tập tốt hơn; các hộ có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất…

Từ nguồn vốn chương trình tín dụng giải quyết việc làm, nhiều hộ dân đã tự tạo việc làm cho gia đình. Trong ảnh: Gia đình ông Bùi Đức Thanh, thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) chăm sóc đàn hươu.

Bài 1: Tạo động lực để người dân khôi phục kinh tế

Là vùng đất “phên giậu” nơi cực Tây Tổ quốc, Điện Biên chịu ảnh hưởng không nhỏ trước đại dịch Covid-19. Để phục hồi kinh tế sau đại dịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở triển khai kịp thời, có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người dân và khôi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; trong đó có Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết số 11/NQ-CP, đã tạo thêm động lực “sức bật” cho nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động trên địa bàn vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, gia đình anh Lò Văn Thoan, chị Lò Thị Nguộc, bản Co Nỏng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng vì hoàn cảnh khó khăn phải đi phụ hồ theo các công trình xây dựng, làm cầu cống ở trong và ngoài huyện. Dịch Covid-19 bùng phát, 2 vợ chồng anh Thoan mất việc làm, không có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khó khăn. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành, gia đình anh Thoan  được vay 80 triệu đồng thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng. Từ nguồn vốn vay 80 triệu đồng gia đình anh Thoan đã đầu tư 4 con bò cái sinh sản (trong đó, 1 con có chửa sắp đến ngày sinh) 1 con lợn nái đã có chửa. Tận dụng diện tích đất ven suối bỏ hoang, đồng thời mượn thêm đất nhàn rỗi của người thân, anh Thoan đã trồng cỏ voi, chuối để lấy quả và lấy cây làm thức ăn cho bò vào mùa khô. Nhờ chăm chỉ, chịu thương chịu khó cùng với biết tính toán, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình, chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ khi nhận tiền vay vốn (tháng 6/2022) đến nay, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đàn bò sinh trưởng phát triển tốt đã tăng lên 1 con (tổng đàn 5 con); con lợn nái đẻ được 10 con, gia đình đã bán 5 con thu lời 5 triệu đồng, còn 5 con lợn cái gia đình để lại làm giống tiếp tục tăng đàn trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Duy Hải, Bí thư Đảng ủy xã Búng Lao (Mường Ảng) cho biết: Là xã thuộc tỉnh vùng sâu vùng xa khu vực biên giới, đời sống kinh tế người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, đặc biệt tại tuyến cơ sở (cấp xã, thôn, bản); nhất là từ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng đã giải ngân kịp thời nguồn vốn giải quyết việc làm, có ý nghĩa rất thiết thực đối với người dân địa phương, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Đây là chương trình hết sức ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến người dân, tạo động lực cho người dân khôi phục lại kinh tế của gia đình; góp phần ổn định phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn sau 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Anh Lò Văn Thoan, bản Co Nỏng, xã Búng Lao, huyện Mường Ảng, chăm sóc đàn bò của gia đình.

Vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu, ông Bùi Đức Thanh, thôn C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) không có việc làm ổn định, cả gia đình quanh năm chỉ trông vào mấy sào ruộng, trồng lúa, trồng màu. Dịch Covid-19 bùng phát, cũng như bao hộ gia đình khác, ông Thanh rơi vào cảnh thu nhập bấp bênh. Mong ước của ông là có được số vốn nhỏ để ổn định làm ăn phát triển kinh tế gia đình trên chính mảnh đất quê hương. Thông qua Hội Nông dân xã Thanh Xương giới thiệu, gia đình ông Thanh đã tiếp cận kịp thời với nguồn vốn vay từ Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Nhận được vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, ông Bùi Đức Thanh phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi hiện có 3 nhân khẩu (2 vợ chồng và con trai vừa học xong đại học chưa có việc làm). Từ nguồn vốn vay tín dụng giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, gia đình tôi vay 100 triệu đồng cùng với vay mượn thêm anh em họ hàng, tổng số vốn trên 300 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi hươu lấy nhung. Gia đình đã đầu tư xây 10 ô chuồng, bắt 10 con hươu về gây giống. Hiện nay đàn hươu đang phát triển rất tốt. Cuối tháng 9 vừa rồi một số con hươu phát triển tốt trong đàn cho “bói”, gia đình đã thu được hơn 3 lạng nhung, với giá bán ra thị trường hiện nay 1,7 triệu đồng/lạng, gia đình đã thu về 5 triệu đồng. Hi vọng nuôi hươu sẽ mang lại nguồn thu nhập chính cho gia đình, để chúng tôi sớm trả được số tiền vay ngân hàng và cải thiện cuộc sống.  

Ông Vùi Văn Nghĩa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng cho biết: Ngay sau khi Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh phân bổ 12,5 tỷ đồng, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022. Với tinh thần khẩn trương quyết liệt, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác các cấp trong việc tổ chức tuyên truyền chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, phối hợp rà soát đối tượng, xác định nhu cầu vốn, sẵn sàng giải ngân kịp thời; đảm bảo công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, tránh trục lợi chính sách. Đến ngày 30/9/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã triển khai cho vay Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì việc làm cho 84 khách hàng với tổng số tiền 5 tỷ đồng (đạt 100% kế hoạch); Chương trình nhà ở xã hội đã giải ngân 5,535 tỷ đồng đạt 92% kế hoạch). Thời gian tới đơn vị tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn các chương trình tín dụng phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chinh phủ; đồng thời, đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Trung ương bổ sung thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện..

Bài 2: Tiếp bước học sinh, sinh viên đến trường

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top