Thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở

08:03 - Thứ Tư, 26/10/2022 Lượt xem: 4864 In bài viết

ĐBP - Xác định rõ xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở là tiền đề quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia và phối hợp với chuyên môn thực hiện tốt QCDC.

Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2022 do Công đoàn cơ sở Viện Kiểm sát nhân dân huyện Mường Chà tổ chức.

Toàn tỉnh hiện có trên 37.500 công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), sinh hoạt tại 965 công đoàn cơ sở (CĐCS); trong đó, 917 CĐCS thuộc khu vực hành chính sự nghiệp, 48 CĐCS doanh nghiệp. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang phối hợp quản lý 2.460 CNVCLĐ, trong đó 2.457 đoàn viên, sinh hoạt tại 14 CĐCS trực thuộc Công đoàn ngành Trung ương đóng tại địa phương. Ngay từ đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các cấp công đoàn tham gia xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan, đơn vị sự nghiệp và trong doanh nghiệp. Trong đó, tập trung các nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; hội nghị người lao động, chỉ đạo hoạt động ban thanh tra nhân dân; tổ chức đối thoại định kỳ, nâng cao việc đánh giá chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể đối với doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở, các cấp công đoàn chủ động đề xuất tổ chức thương lượng, ký kết mới, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể với nhiều điểm có lợi cho người lao động, như: Đảm bảo về việc làm, tiền lương, an toàn vệ sinh lao động; các chế độ phúc lợi; hỗ trợ đi lại, nhà trọ, ăn ca... Cùng với đó, công đoàn cơ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp đã phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc xây dựng và ban hành quyết định việc thực hiện QCDC ở cơ sở, quy chế hoạt động của cơ quan, quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản, làm việc, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý, khen thưởng. Trong quá trình thực hiện QCDC, các công đoàn cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp nghiên cứu, phối hợp với chuyên môn đồng cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến người lao động. Từ đó, đảm bảo quyền lợi, quyền hạn, làm rõ trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, mối quan hệ lao động được cải thiện, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định việc làm, nâng cao đời sống người lao động, vị thế của tổ chức Công đoàn được coi trọng, nâng lên, phát huy được quyền làm chủ của đoàn viên, người lao động.

Công tác giám sát được các cấp công đoàn quan tâm triển khai thực hiện. Trong năm 2021, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã phối hợp giám sát 15 cuộc, 41 đơn vị. Nội dung giám sát tập trung vào việc thực hiện QCDC tại cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị người lao động; đối thoại định kỳ, hoạt động của ban thanh tra nhân dân; giám sát các chế độ chính sách có liên quan đến người lao động theo quy định.

Tại Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và Xây dựng Điện Biên, thực hiện QCDC, hàng năm, công đoàn phối hợp với Ban Giám đốc Công ty tổ chức hội nghị đại biểu người lao động; duy trì đối thoại với công nhân, người lao động để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động; thực hiện đầy đủ và đúng kỳ hạn mọi chế độ liên quan đến người lao động, như: Đảm bảo cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thu nhập bình quân trên 5,5 triệu đồng/người/tháng...

Theo thống kê của các cấp công đoàn, hàng năm có 99% cơ quan hành chính sự nghiệp, xã phường, trường học phối hợp với thủ trưởng cơ quan tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 72% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; 100% doanh nghiệp Nhà nước tổ chức hội nghị người lao động. Một số doanh nghiệp việc tổ chức hội nghị đối thoại, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn của người lao động, góp phần tích cực trong việc ổn định doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, phát triển.

Bà Lầu Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh cho biết: Qua 6 năm giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, nhận thức của cán bộ, CNVCLĐ về quyền, trách nhiệm của việc tham gia xây dựng, thực hiện QCDC đã được nâng lên. Hoạt động đã phát huy hiệu quả vai trò, vị trí của công đoàn các cấp, tăng cường mối quan hệ giữa công đoàn với chuyên môn, tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch vững mạnh. Đội ngũ cán bộ, CNVCLĐ luôn vững vàng, tin tưởng vào đường lối, chính sách pháp luật của Đảng Nhà nước, tích cực thi đua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiền lương, thu nhập của đa số đoàn viên, CNVCLĐ ổn định, đời sống văn hóa, tinh thần, các chế độ chính sách được đảm bảo.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top