Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

20:44 - Thứ Ba, 01/11/2022 Lượt xem: 5307 In bài viết

Chiều nay (1/11), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng thủ dân sự. Tham gia thảo luận, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lò Thị Luyến nhất trí với sự cần thiết ban hành luật nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng và hoàn thiện các hành lang pháp lý, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp để đảm bảo nguyên tắc quyền con người và quyền công dân có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia và trật tự toàn xã hội, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng.

Tổ thảo luận số 17 tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV gồm các đoàn: Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định, Bến Tre.

Việc ban hành luật cũng tạo điều kiện cho việc chủ động phòng, chống, ứng phó hiệu quả với các thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, an toàn cho đất nước khi tình huống xảy ra.

Về nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự, tại khoản 2, điều 3 Dự thảo luật quy định hoạt động phòng thủ dân sự đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Tuy nhiên, quy định về phân công, phân cấp trong thực hiện các hoạt động phòng thủ dân sự tại khoản 3 chỉ đề cập đến phân công, phân cấp đối với  các cơ quan chuyên môn, cụ thể là chính quyền địa phương, chưa quy định về việc phân công, phân cấp đối với cấp uỷ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định về phân công, phân cấp đối với cấp uỷ nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động này.

Về xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự quy định tại điều 11 chưa rõ, gây khó hiểu, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, quy định rõ tại khoản 1 là kế hoạch phòng thủ dân sự của bộ, ngành, địa phương được xây dựng theo chu kỳ 05 năm và được điều chỉnh hằng năm khi cần thiết để phân biệt với việc xây dựng, ban hành Kế hoạch phòng thủ dân sự quốc gia tại khoản 3 điều này.

Về thẩm quyền điều động, huy động lực lượng, phương tiện, Dự thảo luật quy định trong trường hợp khẩn cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi xảy ra thảm họa, sự cố đề nghị tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ, giúp đỡ để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố. Đại biểu cho rằng quy định thẩm quyền của Chủ tịch UBND các cấp như vậy là quá rộng. Nếu ở khu vực biên giới Điện Biên xảy ra tình huống này, thì UBND các cấp tỉnh Điện Biên có được đề nghị tổ chức, cá nhân của Trung Quốc hay Lào tham gia ứng phó sự cố hay không? Phải tuân thủ theo quy định nào? Đại biểu đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể trường hợp khẩn cấp mà Chủ tịch UBND các cấp được đề nghị cá nhân, tổ chức nước ngoài hỗ trợ.

Về các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cấp độ 1, theo đại biểu, cấp độ 1 là cấp độ sự cố hoặc thảm họa quy mô nhỏ trong phạm vi xã hoặc huyện. Trên địa bàn xã thì bao giờ cũng có cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, khi sự cố xảy ra, ảnh hưởng tới các hoạt động của các đơn vị này cũng đều phải tạm dừng hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, thực tế dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã chứng minh điều đó. Dự thảo luật chưa quy định biện pháp này. Đề nghị khảo sát, nghiên cứu để quy định các biện pháp được áp dụng trong phòng thủ dân sự cho phù hợp với thực tiễn.

Về bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố tại điều 47, Dự thảo luật nêu chính sách hỗ trợ bảo hiểm được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách trong từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho một số tổ chức, cá nhân tại khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa, sự cố nhằm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo quy định của Chính phủ. Kinh phí hỗ trợ phí bảo hiểm được bảo đảm từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và từ Quỹ phòng thủ dân sự. Theo Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên, hiện nay chúng ta mới chỉ sử dụng ngân sách để tham gia bảo hiểm phương tiện, tức là bảo hiểm dân sự, còn trong trường hợp này là bảo hiểm rủi ro, như vậy sẽ phải bố trí ngân sách rất lớn, liệu có khả thi không? Bộ Quốc phòng cũng chưa có thuyết minh, đánh giá về chính sách này. Cần phải cân nhắc, nếu vẫn quy định trong dự thảo về việc hỗ trợ phí bảo hiểm cho một số tổ chức, cá nhân tại khu vực thường xuyên xảy ra thảm họa thì đề nghị Bộ Quốc phòng phải có đánh giá tác động của chính sách khi áp dụng trong thực tiễn.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top