Đề nghị quy định rõ hơn về hạn mức đất đai tôn giáo

17:14 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 5149 In bài viết

ĐBP - “Đề nghị quy định rõ hơn về hạn mức đất đai tôn giáo, trong đó có quy định việc các tổ chức tôn giáo sử dụng đất vượt quá hạn mức thì sẽ được đóng tiền thuê và sử dụng đất theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tôn giáo khi có nhu cầu phát triển cơ sở của mình” - Đó là phát biểu của Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên tại phiên thảo luận tổ, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), diễn ra sáng nay (03/11).

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 03/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, dự thảo Luật Đất đai lần này vẫn tiếp tục quy định đất đai tôn giáo là đất phi nông nghiệp, được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Thực tế thời gian vừa qua, sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai 2013, các địa phương cũng tiến hành cấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức tôn giáo và cơ sở tôn giáo. Tuy nhiên, do quy định chưa rõ ràng, còn nhiều bất cập nên việc cấp quyền sử dụng đất cho các cơ sở tôn giáo thực hiện được rất ít. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định các tổ chức tôn giáo và tổ chức trực thuộc mới có tư cách pháp nhân phi thương mại, cơ sở tôn giáo thì không có tư cách pháp nhân phi thương mại, dẫn đến vấn đề đặt ra là giao đất cho chủ thể nào. Ví dụ, trong Phật giáo thì giao cho trụ trì chùa hay giao cho đại diện của cộng đồng. Trong lịch sử hình thành các cơ sở tôn giáo cũng trải qua hàng nghìn năm, có nhiều diễn biến khác nhau, ví dụ như chùa di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử thì thường thuộc sở hữu của cộng đồng chứ không phải hoàn toàn là sở hữu của tổ chức tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bổ nhiệm trụ trì nhưng thực ra đại diện về sở hữu tài sản thì không được. Cho nên cần phải quy định thống nhất giữa Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này để có thể giải quyết những vướng mắc trong vấn đề cấp quyền sử dụng đất.

Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cơ bản nhất trí với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh quy định điều 85 Dự thảo luật; tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu, xem xét lại đối với các trường hợp thu hồi đất làm công trình văn hoá, thể thao, nhà an dưỡng, nhà công vụ, nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân. Đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ sự đồng thuận với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đó là đề nghị rà soát các trường hợp thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh. Trong đó, đề nghị cân nhắc các trường hợp “làm công trình văn hóa, thể thao” (khoản 5, điều 85), “làm nhà an dưỡng” (khoản 8, điều 85), “làm nhà khách” (khoản 9, điều 85). So với Luật Đất đai năm 2013, trường hợp thu hồi đất để làm nhà khách của lực lượng vũ trang nhân dân là trường hợp mới bổ sung. Hiện nay các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách có thể được sử dụng vào mục đích lưỡng dụng, phục vụ cả quốc phòng và dân dụng. Nếu thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh để xây dựng những công trình này nhưng sau đó sử dụng vào mục đích dân dụng dễ dẫn đến thiếu minh bạch về trường hợp thu hồi đất, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần xem xét khả năng lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng chung các công trình văn hóa, thể thao, nhà an dưỡng, nhà khách với khu vực dân sự để tránh phải thu hồi đất, gây lãng phí.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 03/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV.

Về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, Dự thảo luật quy định Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Theo đại biểu Lò Thị Luyến, quy định này không mới so với các quy định trước đây của Luật Đất đai. Để quy định không mang tính khẩu hiệu, đề nghị phải cụ thể hoá các điều kiện sống này chính là hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, điện và đất sản xuất đối với khu vực nông thôn. Một ví dụ thực tế đó là Dự án tái định cư thủy điện Sơn La, cho đến thời điểm này tỉnh Điện Biên cũng chưa khắc phục hết, chưa tạo điều kiện được hết cho người dân và người dân rất bức xúc về việc này. Nơi họ sinh sống trước đây có điều kiện thuận lợi về mặt sinh kế, về nước sinh hoạt, về các điều kiện khác, nếu chúng ta không thu hồi để làm dự án thì trên mảnh đất đó họ vẫn sinh sống bình thường, đảm bảo không khó khăn về sinh kế. Khi chúng ta thực hiện các dự án tái định cư, đối với nhà ở thì có thể tốt hơn nhà ở cũ nhưng điều kiện sinh hoạt, sinh kế chưa chắc đã tốt. 

Tham gia thảo luận, ngoài những nội dung nêu trên, các vị ĐBQH tỉnh Điện Biên còn phát biểu về các nội dung, như: quy hoạch, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý, sử dụng đất đai, nông, lâm trường; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn vướng mắc do một số quy định chưa thống nhất; về thị trường bất động sản... Đồng thời, bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Đất đai nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top