Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

18:18 - Thứ Hai, 07/11/2022 Lượt xem: 4672 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (7/11), kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Tham gia thảo luận, đại biểu Tạ Thị Yên, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh Điện Biên nhận định: Luật Giá được ban hành từ năm 2012, qua 10 năm thực hiện, đến nay đã bộc lộ một số hạn chế nhất định, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, do đó cần thiết phải sửa đổi để kịp thời đáp ứng tình hình mới, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến phân công, phân cấp thẩm quyền và trách nhiệm trong công tác quản lý.

Đồng chí Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều 07/11, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Tạ Thị Yên bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra về việc cần rà soát lại để đảm bảo sự đồng bộ và không chồng chéo cũng như không mâu thuẫn về thẩm quyền giữa các luật như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Giá.

Ví dụ cụ thể về vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên cho biết: tại khoản 1, điều 114, Luật Đất đai 2013 quy định “Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ. Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”. Thông tư 76/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính và Nghị định 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua bảng giá đất điều chỉnh. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2013 không quy định thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc điều chỉnh bảng giá đất. Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định Hội đồng nhân dân ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân để thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.

Các văn bản quy định về thẩm quyền có sự khác nhau làm cho các địa phương gặp vướng mắc, rất khó áp dụng trong thực tiễn. Với trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân, hiện nay Ban công tác đại biểu cũng đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để hướng dẫn việc này nhưng đến nay cũng chưa có văn bản trả lời.

Tương tự, liên quan đến thẩm quyền, điều 16 Dự thảo Luật quy định: “Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Thường trực Hội đồng nhân dân có ý kiến về Quyết định giá hàng hóa dịch vụ trong trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình xin ý kiến theo quy định của pháp luật”. Đại biểu Tạ Thị Yên đề nghị phải cân nhắc khi quy định Hội đồng nhân dân giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân, việc sử dụng từ “giao” này có chính xác không bởi hoạt động của Hội đồng nhân dân không phải là hoạt động hành chính.

Tham gia ý kiến vào Dự thảo Luật, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thể hiện sự đồng tình với việc đưa sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, bởi đây là một mặt hàng thiết yếu và sách giáo khoa cũng có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, tác động trực tiếp đến người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Đại biểu cũng đồng tình với quy định Nhà nước quyết định giá tối đa và không ấn định giá cụ thể, để các đơn vị phát hành sách quyết định giá bán cụ thể nhằm tạo tính cạnh tranh, góp phần hạ giá bán, bảo đảm lợi ích của người dân.

Tin, ảnh: Mai Hồng
Bình luận

Tin khác

Back To Top