Vấn đề bạn đọc quan tâm

Xóa tư tưởng trông chờ, ỷ lại Nhà nước

08:39 - Thứ Năm, 10/11/2022 Lượt xem: 4239 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đã rất nỗ lực trong công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN), nhưng hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện Tuần Giáo và Mường Ảng vẫn ở mức khá cao. Kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của Mường Ảng là 50,11%; Tuần Giáo 57,64%. Tỷ lệ hộ nghèo cao đồng nghĩa với thu nhập bình quân đầu người của 2 địa phương này rất thấp. Tuần Giáo đạt 28,2 triệu đồng/người/năm; Mường Ảng đạt 24,75 triệu đồng/người/năm. Nhiều gia đình vẫn “ăn bữa hôm, lo bữa mai”, con cái đến trường trong nơm nớp lo âu vì đói cơm thiếu áo. Cuộc sống thiếu thốn, nhà cửa tạm bợ, dụng cụ sinh hoạt trong gia đình gần như không có gì đã ảnh hưởng đến chất lượng, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhận thức rõ vấn đề “đói nghèo dễ nảy sinh tệ nạn xã hội”, ảnh hưởng đến nguồn lực, là bước cản lộ trình xây dựng nông thôn mới... UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3559/KH - UBND ngày 2/11/2022 hỗ trợ huyện Tuần Giáo và Mường Ảng thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Đón nhận thông tin này, cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân 2 huyện rất vui mừng, phấn khởi. Đây có thể coi là “cú hích” để 2 địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, sử dụng nguồn lực hợp lý, khoa học, đảm bảo tiết kiệm để XĐGN.

Mục tiêu đề ra đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Mường Ảng giảm còn 24,85% (mỗi năm giảm 6,3% trở lên); huyện Tuần Giáo còn 32,84% (mỗi năm giảm 6,20% trở lên). Thu nhập bình quân đầu người huyện Tuần Giáo đạt 45 triệu đồng/người/năm; huyện Mường Ảng đạt 35 triệu đồng/người/năm)...

Đạt được điều đó, 2 huyện tập trung vào đầu tư mới, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng cơ sở cốt yếu tại địa phương, nhất là các công trình giao thông huyết mạch, có tính chất kết nối liên vùng, liên xã. Vì giao thông đi trước một bước sẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Thực tế thời gian qua, mỗi khi địa phương được đầu tư các công trình giao thông liên huyện, liên xã khang trang, rộng rãi, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương phát triển, không ít người dân tận dụng lợi thế để làm nhà cạnh đường, mở mang ngành nghề dịch vụ kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Giao thông kết nối, đường thông hè thoáng, giá cả đất đai tăng lên, người dân bán đất với giá cao hơn.

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương này còn sử dụng nguồn vốn lồng ghép các dự án, tiểu dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vốn tín dụng, vốn huy động của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Có thể khẳng định, chưa khi nào 2 địa phương đang đứng trước cơ hội thuận lợi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân XĐGN như hiện nay. Trong điều kiện của tỉnh nghèo, ngân sách Trung ương cấp hàng năm không lớn, nhưng tỉnh đã ưu tiên, dành nguồn lực hợp lý để đầu tư cho 2 huyện tập trung XĐGN có trọng tâm, trọng điểm.

Như tính toán, chỉ cần sử dụng nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả, khoa học thì lộ trình XĐGN của 2 huyện sẽ “cán đích” đúng kế hoạch. Và phải khẳng định, vốn đầu tư của Nhà nước hay nguồn “xã hội hoá” cũng chỉ là vốn mồi. Về phía người dân cần phải nỗ lực, phát huy nội lực cùng Nhà nước trên lộ trình XĐGN. Nhà nước đầu tư hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng để mở đường giao thông, xây dựng công trình thuỷ lợi, nước sinh hoạt; các công trình trường học, trạm y tế... nhưng người dân không nâng cao ý thức trong sử dụng, không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng... thì cũng nhanh chóng xuống cấp, lãng phí nguồn lực sau đầu tư.

Giao thông, giao thương thuận lợi, người cân cần phát huy lợi thế, mở mang ngành nghề kinh doanh, nâng cao thu nhập. Có đường giao thông, công trình thuỷ lợi, người dân phải biết khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, sông suối, đồi rừng… để sản xuất cây công nghiệp ngắn - dài ngày, lương thực, thực phẩm… phục vụ cuộc sống hàng ngày và bán ra thị trường tăng thu nhập. Có điện, đường, trường, trạm... người dân tiếp cận nhiều hơn với phương tiện truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất, kinh doanh; quan tâm đến việc học hành của con cái; chú trọng bảo vệ sức khoẻ chính mình... Đấy mới là tiền đề XĐGN bền vững. Còn cứ trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, không thay đổi nhận thức, tư duy làm kinh tế, thì khi chương trình, dự án đầu tư kết thúc, cuộc sống người dân lại quay về điểm xuất phát, nghèo vẫn hoàn nghèo.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top