Cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân

07:40 - Thứ Sáu, 11/11/2022 Lượt xem: 5015 In bài viết

ĐBP - Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) có vị trí, vai trò lớn trên địa bàn dân cư. Bằng kinh nghiệm, hiểu biết của mình, họ đã có những đóng góp quý báu trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đại diện cho ý chí của Nhân dân; thực sự là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng chuyển tải tâm tư nguyện vọng của đồng bào DTTS đến với cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời đã tham gia đóng góp thiết thực vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước.

Ông Hoàng A Chinh, người có uy tín bản Nậm Chua 4, xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) vận động người dân chăm lo phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự. Ảnh: Sầm Phúc

Xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các DTTS; những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đầu tư, chăm lo phát triển kinh tế, xã hội vùng DTTS và miền núi. Tại tỉnh Điện Biên, các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc lựa chọn, bình bầu, công nhận và đảm bảo chế độ chính sách đối với người có uy tín theo đúng quy định của Trung ương. Nhiều chính sách, chương trình dự án cho vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục được triển khai thực hiện, mang lại kết quả thiết thực. Phát huy vai trò, truyền thống đoàn kết, yêu nước, đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, trong đó có người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ đã luôn gương mẫu, nỗ lực đóng góp to lớn vào sự phát triển của tỉnh.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2022, tỉnh Điện Biên có 8.355 lượt người có uy tín; trong đó, năm 2022 có 1.246 người có uy tín (374 già làng, 102 trưởng dòng họ, 118 trưởng thôn, bản và tương đương, 148 cán bộ nghỉ hưu, 3 chức sắc tôn giáo, 9 thầy cúng, thầy lang và 1 nhà giáo). Nhân sĩ trí thức người DTTS đến nay có khoảng 6.780 người; trong đó, các danh hiệu đã được phong tặng, gồm: 1 anh hùng lao động, 1 nhà giáo ưu tú, 8 thầy thuốc ưu tú, 24 nghệ nhân ưu tú.

Là tỉnh vùng cao, biên giới còn nhiều khó khăn, dân số tỉnh Điện Biên hiện là trên 62 vạn người, gồm 19 dân tộc; trong đó, dân tộc Mông 38,12%, Thái 35,69%, Kinh 17,38%, Khơ Mú 3,30%... Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 47.233 hộ nghèo (chiếm 34,90% tổng số hộ dân cư); trong đó hộ nghèo DTTS 46.804 hộ, chiếm 44,95% tổng số hộ DTTS. Được thôn bản, tổ dân phố bình chọn, suy tôn, được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm; người có uy tín đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi từng ngõ, gõ từng nhà, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; bài trừ hủ tục, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc. Người có uy tín cũng tích cực tham gia hòa giải, giải quyết tốt những vướng mắc, mâu thuẫn trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn bản, đoàn kết, bình yên, phát triển. Nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu DTTS là những người có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, họ đã sáng tạo, truyền bá và áp dụng tri thức vào thực tiễn; có vai trò và đóng góp to lớn cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh. Nhiều nhân sĩ trí thức DTTS giữ vị trí, vai trò quan trọng trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp; đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của tỉnh.

 Với sự nỗ lực, phát huy vai trò nòng cốt ở cơ sở của lực lượng người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân các DTTS trong công tác tuyên truyền, vận động; gương mẫu thực hiện; làm cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền với nhân dân; các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với bà con DTTS. Nhiều kiến thức, kỹ năng về mọi mặt (kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hoá xã hội...) được triển khai thực hiện và mang lại kết quả cao. Quốc phòng - an ninh chính trị vùng biên giới được giữ vững và luôn ổn định. Tình trạng di, dịch cư tự do giảm dần hàng năm; nhiều vụ tranh chấp đất đai, tài sản được hòa giải thành công với sự tham gia tích cực, hiệu quả của người có uy tín.

Đi trước làm gương, người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ đã tìm tòi các biện pháp, cách làm hay nhằm khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, khí hậu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; đồng thời hướng dẫn giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn trong thôn, bản, khu dân cư cách làm kinh tế, nâng cao thu nhập. Qua đó, đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn người. Nhiều địa phương đã xuất hiện các mô hình nhóm hộ, tổ hợp tác, hộ gia đình là người có uy tín, các vị già làng, trưởng dòng họ làm kinh tế giỏi; nhiều hộ thu nhập trung bình 100 - 200 triệu đồng mỗi năm...

Người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ cũng cùng với MTTQ và các đoàn thể xã, phường, thị trấn đã thực hiện tốt vai trò giám sát ở khu dân cư; tăng cường mối quan hệ, gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, góp phần quan trọng xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở. Lực lượng tiêu biểu này cũng đã có nhiều đóng góp trong việc thành lập cụm liên kết về an ninh trật tự ở địa bàn giáp danh, các cụm liên kết bảo vệ an ninh trật tự… Đến nay đã tổ chức kết nghĩa được 9 cặp cụm dân cư, tuyên truyền cho nhân dân hai bên biên giới chấp hành nghiêm các Hiệp định đã ký kết, quy chế khu vực biên giới đất liền, Luật Biên giới quốc gia... góp phần xây dựng, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển.

Là tỉnh có trên 80% là dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau, giao thoa với nhau tạo nên tính đa dạng, phong phú trong đời sống văn hóa. Người có uy tín, các vị già làng, trưởng dòng họ đã phát huy vai trò ở thôn, bản, khu dân cư, thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Thông qua việc tuyên truyền vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua: “Chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng “Dòng họ hiếu học”... Giai đoạn 2017 - 2021, tỉnh ta có 171.804 hộ được công nhận “Gia đình văn hóa”; 2.109 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận là thôn, bản, tổ dân phố văn hóa.

Ghi nhận, biểu dương các điển hình ở mỗi lĩnh vực, địa bàn; năm 2017, tỉnh Điện Biên đã tổ chức hội nghị biểu dương già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín tiêu biểu lần thứ V, giai đoạn 2017 - 2021. Cũng trong giai đoạn này, các huyện tổ chức 12 hội nghị biểu dương, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu. Việc tôn vinh, ghi nhận được tổ chức trang trọng, chính xác, kịp thời; qua đó đã động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, hăng hái thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong các lĩnh vực”, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm mà mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Có nhiều đóng góp cho sự phát triển của tỉnh; song những năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách đối với người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ và hoạt động của người có uy tín vẫn còn những khó khăn, bất cập. Để phát huy hơn nữa vai trò, vị trí, khả năng cống hiến của lực lượng ưu tú này, cần sự quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị.

Thảo Vi
Bình luận

Tin khác

Back To Top