Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng - Biểu tượng anh hùng cao đẹp

20:08 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 5864 In bài viết

Ngày 20/12/2022, tỉnh Đắk Nông sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912–1936). Đây là việc làm góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp.

Ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên

Lễ Kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912-2022), nhằm tôn vinh, ghi nhớ đóng góp to lớn của anh hùng N’Trang Lơng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.

Phối cảnh khu vực tổ chức Lễ Kỷ niệm 110 năm Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng và Khánh thành Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 - 1936)

Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng (1912 – 1936) là phong trào đấu tranh tự phát chống thực dân Pháp xâm lược của đồng bào các dân tộc ở khu vực Nam Tây Nguyên, do N’Trang Lơng lãnh đạo. Đây là cuộc khởi nghĩa có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất trên địa bàn Tây Nguyên kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm đến thời điểm đó; là ngọn cờ đầu chống Pháp ở Tây Nguyên. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta.

Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đã có một vị trí xứng đáng trong lịch sử các dân tộc Đông Dương nói chung và lịch sử Việt Nam nói riêng. Người anh hùng N'Trang Lơng với chiến thắng Bu Nor - Bu Mêra vang dội vào tháng 7/1914 đã làm cho phong trào phát triển, giải phóng một vùng Cao nguyên rộng lớn khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp trong nhiều năm, đồng thời cũng là niềm tin cổ vũ cho các phong trào cách mạng ở Trường Sơn suốt thời kỳ Pháp thuộc, thể hiện được truyền thống bất khuất của các dân tộc Tây Nguyên.

Tinh thần của phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đã được tiếp tục phát huy qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay.

Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 - 1936) góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp

Giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước

Công trình xây dựng dự án Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 – 1936) được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 22/8/2011, về việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng và các dân tộc Tây Nguyên.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện việc xây dựng Tượng đài N’Trang Lơng theo quy định pháp luật. Trong đó, tỉnh Đắk Nông phát động và có 18 tác phẩm, của 9 tác giả tham gia cuộc thi sáng tác mẫu phác thảo tượng đài. Hội đồng nghệ thuật đã đề xuất chọn phần phù điêu của nhóm tác giả Phạm Thị Mai Hoa; Nguyễn Hồng Phong và phần tượng đài của tác giả Lâm Quang Nới để xây dựng Tượng đài.

Phù điêu khắc họa phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng

Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 – 1936) được tỉnh Đắk Nông làm lễ đặt đá vào ngày 25/7/2012 và khởi công xây dựng vào ngày 19/5/2015, đến nay đã cơ bản hoàn thành phần Tượng đài và các công trình phụ trợ.

Tổng thể chiều cao tượng đài là 18,5m; chiều rộng là 27m; khối lượng đá phù điêu thành phẩm là 456,30 tấn. Công trình được giới chuyên môn đánh giá cao về tính nghệ thuật, kỹ thuật, mỹ thuật và đã được Hội đồng nghệ thuật xếp hạng A - xuất sắc.

Tổng mức đầu tư thực hiện dự án được phê duyệt: 77,758 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách: 59,758 tỷ đồng; nguồn vốn huy động, xã hội hóa: 18 tỷ đồng.

Tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc (1912 - 1936) thêm điểm nhấn đô thị trẻ Gia Nghĩa

Quyết định xây dựng tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với những người con ưu tú của đất nước đã có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Nông; là minh chứng thể hiện quan điểm, đường lối của Đảng, của Nhà nước trong việc gìn giữ, phát huy, tôn vinh các giá trị lịch sử, văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Việc xây dựng tượng đài Anh hùng N’Trang Lơng góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, khơi dậy khát vọng phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Đắk Nông giàu đẹp. Tầm vóc của công trình, với những giá trị cao về mặt nghệ thuật, kiến trúc, Tượng đài N’Trang Lơng đã tạo điểm nhấn về kiến trúc đô thị; trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Đô thị Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hôm nay

Nhân dịp này, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tiếp tục kêu gọi toàn Đảng bộ, đồng bào các dân tộc phát huy tinh thần và khí thế của Phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội gắn với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, bảo đảm quốc phòng - an ninh vững chắc góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết xây dựng quê hương Đắk Nông ngày càng giàu đẹp.

Theo baodaknong.org.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top