Phát huy truyền thống trường Đảng trong xây dựng và phát triển

08:04 - Thứ Hai, 16/01/2023 Lượt xem: 4914 In bài viết

ĐBP - Từ nhận thức có tính chiến lược của Đảng bộ tỉnh về tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên, tháng 2/1963, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và phong trào cách mạng địa phương trong tình hình mới về đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở, Tỉnh ủy Lai Châu đã chủ trương thành lập Trường Đảng tỉnh.

Những năm đầu, Trường chỉ có 11 cán bộ, viên chức,  chưa qua đào tạo chuyên ngành, trong thời gian dài chỉ có một giám đốc kiêm nhiệm, các khoa - phòng chưa được hình thành. Sau ngày đất nước thống nhất, đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường được tăng cường cả về số lượng và chất lượng, với 32 cán bộ, giảng viên, nhân viên trong đó có 1 đại học, 12 giảng viên có trình độ trung cấp chính trị. Tổ chức bộ máy được hình thành gồm: Ban Giám hiệu, Phòng Hành chính, Tổ Giáo vụ. Đầu năm 1985 bộ máy của nhà trường được hoàn thiện, gồm Ban Giám hiệu, 2 phòng chức năng, 4 khoa, biên chế của trường tăng lên 36 người. Trong đó, trình độ đại học 16 (chiếm 44%), trung cấp 3 (chiếm 8%), còn lại chưa qua đào tạo 17 (chiếm 48%). Trước yêu cầu của cách mạng trong tình hình mới, ngày 6/5/1995, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu được thành lập theo quyết định số 187/QĐ-UB-TC của UBND tỉnh Lai Châu trên cơ sở sáp nhập Trường Hành chính (thuộc Ban Tổ chức chính quyền tỉnh) vào Trường Đảng tỉnh. Trường Chính trị tỉnh chính thức ra mắt với cơ cấu tổ chức bộ máy mới bao gồm: Ban giám hiệu, 5 khoa giảng dạy, 2 phòng chức năng. Vượt qua những khó khăn về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đào tạo, bồi dưỡng dần đi vào nền nếp. Dưới mái trường này, hàng ngàn học viên đã được trang bị những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hệ thống chính trị, kỹ năng lãnh đạo quản lý.

Vượt lên những khó khăn vốn có của một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Điện Biên đã làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.

Trường Chính trị so với trước đây đã có rất nhiều thay đổi; đổi mới toàn diện và đồng bộ trên các mặt công tác. Những năm qua, Trường Chính trị tỉnh đã không ngừng vươn lên trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có chất lượng, uy tín của tỉnh; bước đầu xây dựng đội ngũ giảng dạy có trình độ chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhà trường; triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếp cận xu thế phát triển.

Tổ chức các hệ lớp bám sát mục tiêu, yêu cầu, định hướng và chiến lược cán bộ của Đảng; thường xuyên đổi mới chương trình, nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng. Chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, gắn đào tạo lý luận và tổng kết thực tiễn, tri thức lý luận với kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Công tác nghiên cứu khoa học từng bước khẳng định được vị thế, vai trò của trung tâm quốc gia nghiên cứu lý luận chính trị và tư vấn chính sách cho Đảng, Nhà nước, góp phần làm sáng tỏ các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoàn thiện hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho việc bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình, bài giảng, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy cho các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trong cả nước.

Nhà trường đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ, giảng viên với số lượng khá đông đảo, với chất lượng không ngừng được nâng cao; hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đề ra, đáp ứng yêu cầu, giữ vững đoàn kết thống nhất, tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu mới.

Dù trải qua nhiều thời kỳ phát triển và mang những tên gọi khác nhau, nhưng Trường Chính trị trước hết phải là một trường Đảng. Đặc trưng và bản sắc riêng này là nhân tố chủ yếu xác định chỗ đứng, vai trò và vị trí của Trường Chính trị. Là trường Đảng nên tính Đảng phải cao và tính khoa học phải sâu sắc. Sự thống nhất giữa tính Đảng và tính khoa học sẽ là động lực để nhà trường phát triển. Các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, viên chức của nhà trường đã kiên trì giữ vững và phát huy lợi thế này. Bản sắc của trường Đảng đã được quán triệt sinh động trong mục tiêu, nhiệm vụ công tác; đối tượng, nội dung chương trình và phương pháp giáo dục, đào tạo; các định hướng nghiên cứu khoa học... Trong giai đoạn hiện nay, nhà trường có điều kiện tốt hơn và cơ hội lớn hơn, để khẳng định vị thế của mình, Trường phải có khát vọng lớn, quyết tâm cao và phương pháp đúng. Trong đó trọng tâm là 3 vấn đề:

Thứ nhất, lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa phải là người có chuyên môn, giảng viên giỏi... Bởi trong nhiều lĩnh vực, lãnh đạo có thể che giấu năng lực thực tế của mình, nhưng trong giảng dạy thì không thể. Giảng viên phải thường xuyên trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học viên. Năng lực, trình độ của giảng viên thể hiện trong từng lời nói, bị thẩm định ngay lập tức. Nếu lãnh đạo giảng dạy không tốt sẽ không đủ uy lực để điều hành, quản lý cán bộ dưới quyền, nhất là đội ngũ giảng viên. Nếu lãnh đạo giảng dạy không tốt, học viên sẽ băn khoăn về chức vụ người thầy đang đảm nhiệm, sẽ đánh giá thấp vị thế của nhà trường, của khoa. Đây là lý do quan trọng làm suy giảm khả năng cạnh tranh của nhà trường trong xu thế hội nhập hiện nay.

Thứ hai, nhà trường luôn cần có giảng viên xuất sắc, có khả năng nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, có uy tín cao, vì đội ngũ những người thầy sẽ giúp cho thương hiệu Trường Chính trị nhanh chóng lan tỏa. Đây là nhân tố giúp nhà trường trở thành địa chỉ tin cậy của học viên và các đối tác liên quan. Phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giảng dạy. Tiếp tục giữ vai trò tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, sử dụng cán bộ có tài năng.

Hướng tới Trường Chính trị đạt chuẩn mức độ 1 vào năm 2025 và mức độ 2 vào năm 2030, nhà trường cần chú trọng đào tạo giảng viên giảng dạy lý luận chính trị có trình độ chuyên môn cao, đào tạo cán bộ “tinh hoa” cho tỉnh đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới. Cần củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy có kiến thức, bản lĩnh, trung thành, sáng tạo, giải đáp được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Thứ ba, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác của Trường, cán bộ, viên chức, người lao động cần có ý thức và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; tận tình, chu đáo trong công tác phục vụ. Tranh thủ nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh và tiết kiệm chi tiêu ngân sách, tăng cường công tác xã hội hóa để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất - kỹ thuật của Trường. Làm tốt công tác xã hội, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, người lao động; phấn đấu xây dựng Đảng bộ, cơ quan, tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong sạch, vững mạnh toàn diện. Các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, trưởng, phó các khoa, phòng phải là những người thực sự gương mẫu, đoàn kết thống nhất, cố gắng vượt khó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nguyễn Thị Thanh Chuyên (Trường Chính trị tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top