Những cánh chim đầu đàn

08:20 - Thứ Tư, 18/01/2023 Lượt xem: 7540 In bài viết

ĐBP - Ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, những người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ có vị trí quan trọng, sức ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng dân cư. Họ là “những cánh chim đầu đàn” truyền tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Không ít người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ còn là những hạt nhân trong phát triển kinh tế, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ mọi người vươn lên xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống.

Trưởng bản Huổi Khon 2 Thào A Da (đầu tiên bên trái) trao đổi với cán bộ biên phòng về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đã hơn 1 năm kể từ ngày đến bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tìm hiểu thông tin viết báo, cho đến tận tháng 11 vừa qua chúng tôi mới có dịp gặp lại Trưởng bản Huổi Khon 2 Thào A Da tại hội nghị biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ VI năm 2022. Dù không quá nhiều tuổi như những người có uy tín, trưởng bản và trưởng dòng họ khác, nhưng “tiếng nói” của anh Da lại có “sức nặng” khiến bà con dân bản luôn lắng nghe và làm theo. Trò chuyện với anh Da khiến chúng tôi lại hồi tưởng về những lời của Thiếu tá Hoàng Trọng Thảo, Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Kè khi nói về người trưởng bản này hơn 1 năm trước. Trong đó, chúng tôi vẫn nhớ như in chi tiết Thiếu tá Thảo đã sẻ chia rằng, anh Thào A Da là trưởng bản cũng là trưởng nhóm đạo Tin lành Liên hữu cơ đốc, anh đã không quản đường xa đến từng gia đình trong bản tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động bà con dân bản không nghe theo lời lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu. Từ đó, anh Da đã trở thành nhân tố tích cực trong các phong trào đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở… Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự ở bản Huổi Khon 2 đã dần đi vào nền nếp.

Khi đó, như để minh chứng cho những gì đã nói, Thiếu tá Thảo còn dẫn chúng tôi “mục sở thị” những việc mà anh Da đã thực hiện cho bà con dân bản, điển hình là việc hiến hơn 300m2 đất làm nhà văn hóa bản, xây dựng điểm trường mầm non. Những việc làm thiết thực đó của anh Da đã tạo niềm tin cho bà con dân bản, từ đó mọi người chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước cùng với tập trung phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.

Không phải là trưởng bản như anh Da nhưng lại là già làng, trưởng dòng họ và ở cái tuổi ngoài thất thập, với ông Vàng Chùng Chìa, bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) thì “lao động vẫn là vinh quang”, vậy nên bao năm nay ông luôn là điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Vừa qua, ông Chìa cũng được vinh danh tại hội nghị biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2022. Từ “hai bàn tay trắng” nhưng bằng sự cần cù, chịu khó của mình, ông Chìa đã biết tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế. Với nguồn nước ở các khe suối và nguồn thức ăn sẵn có, ông Chìa đào hơn 4.000m2 ao nuôi cá và đầu tư nuôi nhiều loại gia súc kết hợp nuôi lợn, gà tăng thêm thu nhập. Cùng với trồng rừng và canh tác lúa nước, ông Chìa còn tận dụng lợi thế nhà gần quốc lộ 12 và sử dụng nguồn nước có sẵn, tạo thêm thu nhập từ việc bơm nước mui cho xe ô tô…

Ổn định kinh tế gia đình, ông Chìa sẵn sàng giúp đỡ các gia đình trong bản có hoàn cảnh khó khăn về vốn và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt. Chia sẻ về sự giúp đỡ, hỗ trợ của ông Chìa với bà con dân bản, anh Hạng A Giống, bản Cổng Trời, xã Sa Lông tâm sự: “Dù tuổi đã cao, song ông Chìa lại là một trong những tấm gương sáng cho thanh niên trong làm ăn, phát triển kinh tế. Khi kinh tế ổn định, ông còn nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ những hộ nghèo, hộ gia đình khó khăn cách làm kinh tế hiệu quả. Vì thế, ông Chìa luôn nhận được sự tôn trọng và quý mến của bà con dân bản…”.

Những năm qua, các già làng, trưởng dòng họ, trưởng thôn bản và người có uy tín đã tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Họ vận động gia đình, dòng họ xây dựng và thực hiện các quy ước, hương ước ở khu dân cư; thực hiện tốt việc định canh, định cư, không phá rừng làm nương; làm tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng. Họ cũng luôn tiên phong trong việc tìm hiểu, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh sáng tạo, hiệu quả; chủ động nghiên cứu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho bản thân, gia đình, cộng đồng...

Ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1.246 người có uy tín, trong đó có 366 già làng, 111 trưởng dòng họ, 126 trưởng thôn bản và 643 người thuộc các thành phần khác trong xã hội. Những người có uy tín luôn là người am hiểu về đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc mình; đồng thời luôn luôn giúp đỡ người khác một cách vô tư, không đòi hỏi sự báo đáp và đền ơn. Họ đã tích cực tham gia phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; qua đó đã củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp...

Để mang lại sự ổn định, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở cơ sở cũng như góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, những người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ trong đồng bào các dân tộc thiểu số đã rất nỗ lực, cố gắng và tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời thể hiện vai trò là hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bộ máy chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc; xứng đáng là “những cánh chim đầu đàn” nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới cực Tây Tổ quốc.

Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top