Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển

07:52 - Thứ Năm, 19/01/2023 Lượt xem: 9208 In bài viết

Trần Quốc Cường   

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

ĐBP - Tỉnh Điện Biên nằm ở tuyến đầu Tây Bắc đất nước, có đường biên giới tiếp giáp với 2 quốc gia Lào và Trung Quốc, trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Việc quản lý, bảo vệ vững chắc hệ thống đường biên, mốc quốc giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và đảm bảo sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển là mục tiêu, nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm thực hiện suốt thời gian qua.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn. Ảnh: Sầm Phúc

Tuyến biên giới Việt - Trung dài 40,861km thuộc địa phận huyện Mường Nhé; biên giới Việt - Lào dài 414,712km chạy qua địa bàn 4 huyện, gồm: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên. Khu vực biên giới là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận đồng bào có quan hệ thân tộc giữa hai bên đường biên, đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh tới cơ sở cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc đã phối hợp chặt chẽ, chung sức bảo vệ đường biên, cột mốc, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, ngăn chặn tội phạm qua biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Điện Biên đã phối hợp tốt với lực lượng chức năng nước bạn Lào và Trung Quốc trong thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới đã ký kết giữa hai bên, tổ chức các hoạt động tuần tra biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, ngăn chặn di cư tự phát, xuất nhập cảnh trái phép. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới tích cực phối hợp cùng bộ đội biên phòng làm tốt công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Các hoạt động giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai bên biên giới cũng được triển khai, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trong hai năm 2020 - 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động hợp tác, đầu tư, thương mại qua biên giới bị tạm dừng không thể triển khai; việc nhập cảnh qua lại biên giới hạn chế. Năm 2022, khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều hoạt động giữa hai bên biên giới được nối lại. Tỉnh Điện Biên đã tổ chức khánh thành, bàn giao các công trình do Chính phủ Việt Nam hỗ trợ nước bạn Lào, các hoạt động giao lưu, hợp tác cũng được xúc tiến, củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào. Mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới Việt - Lào đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên đường biên giới đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hỗ trợ cùng nhau xây dựng các công trình phục vụ sự phát triển của hai bên; tham gia tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm. Kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2022 đã thể hiện rõ sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được tăng cường, mở rộng…

Có thể khẳng định, hoạt động phối hợp, hợp tác giữa các lực lượng chức năng hai bên biên giới Việt - Lào, Việt - Trung thời gian qua đã góp phần quan trọng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tuy nhiên, hiện nay khu vực biên giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhất là sự chống phá của các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nhân dân khu vực biên giới; các loại tội phạm qua biên giới như mua bán trái phép chất ma túy, buôn lậu và các thách thức an ninh phi truyền thống đe dọa sự ổn định, hòa bình khu vực biên giới. Thực tế này đặt ra nhiệm vụ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân sinh sống khu vực biên giới cần tiếp tục xây dựng và củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển; xem đây là mục tiêu chiến lược lâu dài ở khu vực biên giới.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường tặng hoa chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022). Ảnh: Mai Giáp

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025… Dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước có những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế thế giới suy thoái gây áp lực lớn đến điều hành chính sách vĩ mô phát triển kinh tế đất nước; tình hình thời tiết, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch phản động không ngừng chống phá, các loại tội phạm tăng cường hoạt động… Trong bối cảnh đó, tỉnh Điện Biên cần huy động nhiều nguồn lực để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chương trình, dự án chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 20 năm tái lập tỉnh Điện Biên; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Đây là những vấn đề đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển giữa Điện Biên với các địa phương nước bạn Lào và Trung Quốc.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định mục tiêu xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước. Thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng, tỉnh ta xác định nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trên tuyến biên giới, xây dựng đường biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển; đấu tranh hiệu quả với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật qua biên giới. Để tiếp tục xây dựng tuyến biên giới ổn định, hợp tác, phát triển, cấp ủy chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần thực hiện tốt một số công tác trọng tâm sau:

Trước hết, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Đây là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, đồng bào các dân tộc, của cả hệ thống chính trị để cùng tham gia thực hiện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước về biên giới lãnh thổ đòi hỏi phải không ngừng củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, ổn định cuộc sống nhân dân khu vực biên giới; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc cùng các lực lượng địa phương lên đường tuần tra biên giới. Ảnh: Phạm Dương

Hai là, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới kết hợp chặt chẽ, linh hoạt với bảo đảm quốc phòng an ninh nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, vừa giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia vừa nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới. Đại hội XIII của Đảng xác định: Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Để xây dựng tuyến biên giới hữu nghị, hợp tác và phát triển đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa yếu tố quốc phòng - an ninh với yếu tố kinh tế - xã hội. Chính quyền các cấp cần chú ý, ưu tiên trong triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với miền núi, vùng sâu, biên giới; đầu tư kết cấu hạ tầng vừa phục vụ quản lý, bảo vệ biên giới vừa phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân; thực hiện giao đất, giao rừng cho từng gia đình, thôn bản để người dân kết hợp bảo vệ rừng với bảo vệ đường biên, cột mốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, trong tôn giáo để tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm về bảo vệ đường biên, mốc giới, phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, đấu tranh chống hoạt động lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch, phản động. Già làng, trưởng bản, người có uy tín thực sự là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với đồng bào dân tộc thiểu số; đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống sinh hoạt của đồng bào, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Do đó, cần có chính sách bồi dưỡng, ưu tiên cán bộ là người dân tộc thiểu số, người có uy tín trong đồng bào; tiếp tục chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, người có uy tín tiêu biểu.

Bốn là, quản lý tốt đường biên, mốc giới, bảo đảm an ninh, trật tự khu vực biên giới; phối hợp giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh liên quan đường biên, mốc giới. Phát động và tổ chức thực hiện tốt phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, mốc giới. Phát huy người dân sinh sống khu vực biên giới là “tai mắt”, là “cột mốc sống” trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới; phát hiện ngăn chặn những vụ việc vi phạm xâm canh, xâm cư, phạm tội qua biên giới, góp phần củng cố, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.

Đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy thăm hỏi, trò chuyện với nhân dân các dân tộc xã Mường Pồn (huyện Điện Biên). Ảnh: Sầm Phúc

Năm là, triển khai có hiệu quả Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào, thực hiện nghiêm túc hiệp định quản lý lãnh thổ Việt - Trung; tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý song phương về quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu biên giới đất liền. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương thuộc Lào, Trung Quốc phát triển kinh tế vùng biên giới phù hợp với thực tế và nhu cầu của địa phương hai bên biên giới, tạo sự ổn định và phát triển của khu vực biên giới. Qua đó tạo động lực duy trì và củng cố đường biên giới Việt - Lào, Việt - Trung. Tăng cường xây dựng các công trình vừa bảo đảm mục tiêu quốc phòng - an ninh vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới. Thông qua các chương trình, dự án mục tiêu quốc gia, kết cấu hạ tầng hệ thống lưới điện, đường giao thông, trạm quân - dân y kết hợp, tuyến đường tuần tra vừa phục vụ dân sinh, phát triển sản xuất, vừa đáp ứng yêu cầu giữ vững quốc phòng - an ninh.

Đất nước vào mùa xuân mới, công tác xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa Điện Biên với các địa phương nước bạn Lào, Trung Quốc tiếp tục được quan tâm, chắc chắn sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới, góp phần đưa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với Lào và Trung Quốc phát triển lên tầm cao mới!

Bình luận

Tin khác

Back To Top