Dấu ấn đổi mới

07:49 - Thứ Bảy, 21/01/2023 Lượt xem: 12151 In bài viết

ĐBP - Năm 2022 qua đi, ghi dấu thêm một chặng đường đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành hoạt động thường xuyên, chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Bên cạnh những cách làm quen thuộc là sự sáng tạo liên tục của tổ chức, cá nhân, đưa việc học tập và làm theo Bác trở nên sống động, hiệu quả, tạo nên nhiều dấu ấn, chuyển biến tích cực. Từ đó góp phần lan tỏa những khát vọng mới trong xây dựng và phát triển tỉnh nhà, đặc biệt là góp phần tạo đà tăng tốc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đưa Điện Biên trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Cán bộ khuyến nông xã Quài Cang (huyện Tuần Giáo) hướng dẫn nông dân bản Phủ chăm sóc cây ăn quả.

1. Đột phá gắn với học và làm theo Bác

Từ chỉ đạo của Trung ương và nội dung chuyên đề toàn khóa, Điện Biên xác định chuyên đề năm 2022: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, cải thiện an sinh xã hội, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân”.

Trên cơ sở mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định 3 nội dung đột phá, triển khai thực hiện gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bao gồm: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại; tập trung nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực thu hút mạnh nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển.

Các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn cũng lựa chọn nội dung đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong học và làm theo Bác. Ông Đặng Hải Triều, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định: Thời gian qua, cấp ủy các cấp đã có sự đổi mới trong thực hiện Chỉ thị số 05, đó là xác định rõ nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, quy trình cụ thể để thực hiện, tập trung vào giải quyết 1 - 2 nội dung đột phá trong 1 năm hoặc nhiệm kỳ, giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề ấy, chứ không dàn trải như trước. Các nội dung đột phá sát với nhiệm vụ, thực tiễn của địa phương, cơ quan, đơn vị, liên quan trực tiếp đến các vấn đề xã hội và nhân dân quan tâm, nhất là những khó khăn, vướng mắc, bức xúc ở cơ sở. Nêu cao tinh thần làm việc, chức trách nhiệm vụ như tấm gương Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực, góp sức thực hiện nội dung đột phá ấy, mang lại những kết quả tích cực, được nhân dân ủng hộ.

Như tại Tuần Giáo, xác định 2 đột phá là: Đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển vùng cây ăn quả tập trung theo mô hình liên kết chuỗi giá trị; tập trung thu hút các nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ đất đai và các nhà đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, triển khai một số dự án lớn. Với “kim chỉ nam” đó, nhiều cây trồng mới được triển khai tại địa bàn, như cao su, mắc ca, dược liệu... liên kết phát triển cây ăn quả, cây mắc ca được chú trọng; các vùng chuyên canh dần hình thành. Bộ mặt đô thị, nông thôn thay đổi đáng kể với nhiều công trình mới. Đặc biệt, mô hình xã hội hóa xây dựng đường nông thôn ở Chiềng Sinh được Ban Thường vụ Huyện ủy chọn làm mô hình điểm học và làm theo Bác, lan tỏa, nhân rộng trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Tuần Giáo cho biết: “Việc thực hiện các khâu đột phá gắn với học và làm theo Bác đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân; tính tiên phong, gương mẫu, linh hoạt, chủ động của cán bộ, đảng viên. Từ đó các nhiệm vụ, công việc thu được kết quả tích cực, tạo nên nhiều phong trào thi đua, phát hiện, ghi nhận nhiều tấm gương điển hình trên mọi lĩnh vực”.

Không riêng Tuần Giáo, từ việc triển khai những đột phá, nhiệm vụ chính trị địa phương, không ít mô hình, cách làm hay được triển khai, duy trì và lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu ứng tích cực, động lực phát triển cho địa bàn.

Nhân rộng, tạo sức lan tỏa

Không kể hết những mô hình hiệu quả học và làm theo Bác đã và đang được các địa phương, cơ quan, đơn vị, tập thể, cá nhân trên địa bàn duy trì thực hiện và nhân rộng. Các mô hình ấy đều chung mục tiêu là chăm lo cho nhân dân, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp. Mỗi địa phương, mỗi ngành có mô hình bám sát thực tế và nhiệm vụ được giao, như: Hội Phụ nữ học Bác gắn với các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập”... Đặc biệt mới đây triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho học sinh mồ côi. Ngành Y tế gắn việc học và làm theo Bác với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, chuyển biến rõ nhất chính là thái độ, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ từ tỉnh đến cơ sở. Huyện Mường Ảng nêu cao vai trò người đứng đầu, cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ, “khơi thông” các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, triển khai nhanh chóng, hiệu quả nhiều dự án. Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh có nhiều mô hình giúp dân, “Nâng bước em đến trường”, “Đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư tự do, xuất, nhập cảnh trái phép ở địa bàn khu vực biên giới”...

Tại huyện Nậm Pồ, năm 2022, một mô hình mới được xây dựng và đi vào hoạt động hiệu quả. Đó là tổ dân vận cơ sở, huyện đã thành lập 121 tổ tại 121 thôn, bản để đưa cán bộ đến gần hơn với nhân dân. Các tổ có nhiệm vụ nắm tình hình; trực tiếp hoặc phối hợp tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa cho biết: Hoạt động của các tổ dân vận cơ sở là việc cụ thể hóa học và làm theo Bác, thấm nhuần lời dạy của Người “gần dân, trọng dân”. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu mỗi tháng các tổ phải có ít nhất 2 lần đến với nhân dân, gặp gỡ, tiếp xúc với trưởng bản, bí thư chi bộ, trưởng nhóm đạo, già làng, người có uy tín… Qua đó hiểu dân, tạo mối liên hệ gần gũi, nắm bắt đầy đủ, toàn diện thông tin của các thôn, bản do tổ phụ trách. Từ tình hình thực tế ấy và bám sát nhiệm vụ của huyện, các tổ xây dựng kế hoạch giúp đỡ cụ thể…”.

Sự quan tâm, chủ động, đổi mới ấy đã tạo sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh ta. Kết quả thực tế đã tạo động lực và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trên mọi lĩnh vực tư tưởng chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng… không chỉ trong năm mà cả nhiệm kỳ.

2. Dân vận khéo vì lợi ích nhân dân

Đến xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) hôm nay, nhiều nhà văn hóa được nâng cấp khang trang; đường bê tông được mở rộng, sạch đẹp, những con đường hoa khoe sắc nối dài… Để có được kết quả đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Chăn và các tổ chức thành viên, ban công tác mặt trận thôn, bản đã quyết tâm thực hiện hiệu quả công tác dân vận.

Trước năm 2016, hệ thống đường giao thông ở xã Thanh Chăn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong đi lại, sinh hoạt của người dân. Ủy ban MTTQ xã đã vận động người dân thực hiện bê tông hóa, nâng cấp tuyến đường. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, cán bộ mặt trận vận động người dân hiến đất và đóng góp tiền, ngày công cùng thực hiện. Không chỉ vận động người dân hiến đất làm đường, Ủy ban MTTQ xã còn huy động nhân dân góp sức, góp của xây dựng, sửa sang khuôn viên, nâng cấp nhà văn hóa để có không gian sinh hoạt, giải trí, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao.

Bắt tay thực hiện, ban công tác mặt trận thôn, bản đến từng hộ gia đình tuyên truyền, phân tích về lợi ích của việc xây dựng, nâng cấp điểm sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng. Đồng thời, gương mẫu đi đầu trong thực hiện và huy động họ hàng, con cháu cùng đóng góp đầu tiên. Nhờ sự tâm huyết trong công tác dân vận, người dân đã đóng góp trên 435 triệu đồng nâng cấp nhà văn hóa, trên 300 ngày công xây dựng hơn 100m tường bao nhà văn hóa và mở rộng cạp trên 300m lề đường nội đồng; nâng cấp trên 500m hành lang đường ngõ xóm, rãnh thoát nước trong thôn.

Bà Nguyễn Thị Quý, thôn Hồng Thanh cho biết: Được tuyên truyền, vận động cụ thể, gia đình tôi và nhiều hộ khác đã đóng góp tiền, ngày công mở rộng khuôn viên, nâng cấp nhà văn hóa, tạo thêm không gian để người dân thôn cùng sinh hoạt, tổ chức các hoạt động.

Với cách làm cụ thể, khéo léo trong công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hoạt động có sức lan tỏa khác cũng được người dân tích cực hưởng ứng. Điển hình như, gần 50 bóng đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng được người dân lắp đặt tại một số tuyến đường trong thôn; trên 2.000 ngày công vệ sinh môi trường; trồng trên 100 đoạn đường hoa thôn, bản tạo cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”… Từ đó, góp phần giảm số hộ nghèo của xã từ 117 hộ (năm 2017) xuống còn 76 hộ (năm 2022); tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa chiếm 93,3%, tăng 0,08% so với năm 2017; 16/16 thôn bản giữ vững danh hiệu thôn, bản văn hóa.

Cán bộ Ủy ban MTTQ xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) trò chuyện, nắm bắt thông tin từ người dân.

Chia sẻ về “bí quyết” tạo nên đổi thay tích cực trên, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Chăn cho biết: Học theo Bác, chúng tôi xác định việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, mọi việc cần đặt lợi ích tập thể lên trên. Quá trình triển khai thực hiện đều phải được bàn bạc công khai, dân chủ, người đứng đầu phải minh bạch, tận tâm mới nhận được tín nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Khi người dân thấy những khoản tiền, công sức họ đóng góp được sử dụng đúng mục đích, phục vụ lại lợi ích của mình, họ sẽ tin tưởng và đồng thuận. Từ đó, tạo động lực mới và sự lan tỏa rộng khắp trong mọi tầng lớp nhân dân.

Cán bộ trẻ trách nhiệm, sáng tạo

Đạt giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc lần thứ IX” năm 2022 và nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ngân Thị Thanh Hòa, chuyên viên Phòng Đào tạo - Nghiên cứu khoa học, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên vinh dự là 1 trong 42 cán bộ, công chức, viên chức trẻ có thành tích xuất sắc trong rèn luyện, công tác và thực hiện phong trào “3 trách nhiệm”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, tham gia cải cách hành chính và các phong trào thanh niên, cũng như có nhiều sáng kiến được ứng dụng trong thực tiễn.

Để góp mặt trong danh sách 42 cá nhân tiêu biểu được vinh danh là cả một quá trình cống hiến đầy say mê và nỗ lực của cô gái dân tộc Thái. Trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong công tác tuyển sinh của nhà trường, Ngân Thị Thanh Hòa đã tích cực tham mưu, tham gia tổ chức đa dạng các hình thức tuyển sinh, truyền thông tư vấn hướng nghiệp định hướng đến từng đối tượng; triển khai thực hiện tốt các hoạt động phối hợp với trường THCS, THPT tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp. Từ đó, giúp nâng cao hiệu quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp theo từng năm, tỷ lệ tuyển mới so với kế hoạch năm học sau cao hơn năm học trước, đặc biệt là trình độ trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên hàng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Với sự năng nổ, nhiệt huyết của một cán bộ, đảng viên trẻ; những năm qua, Ngân Thị Thanh Hòa chủ động đề ra nhiều sáng kiến trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, cải cách hành chính như: Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác truyền thông; nâng hiệu quả tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp; nâng cao hiệu quả tổ chức nhập học cho thí sinh trúng tuyển trình độ cao đẳng, trung cấp theo quy định. Từ đó, đã giúp cho Trường xác định được những tồn tại, hạn chế và đưa ra điều chỉnh phù hợp. Cụ thể, hệ thống văn bản, kế hoạch được ban hành đầy đủ, chi tiết và kịp thời; hệ thống tài liệu, video, pano, áp phích, tờ rơi được xây dựng, tinh gọn rõ ràng, cuốn hút đối tượng; năng lực cán bộ tuyển sinh ngày càng nâng cao…

Cán bộ trẻ Ngân Thị Thanh Hòa hướng dẫn học sinh làm hồ sơ tuyển sinh.

Ngân Thị Thanh Hòa chia sẻ: Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà có nhiều cán bộ, công chức viên chức trẻ trong toàn tỉnh nêu cao nhận thức, trách nhiệm, vai trò của mình trong nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn công việc; xây dựng tác phong đạo đức công tác, lề lối công vụ, tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trở thành cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Chuyển biến nhận thức và hành động

Học và làm theo Bác không phải là một cái gì đó cao xa, mà thể hiện từ chính những hành động cụ thể, thiết thực. Từ suy nghĩ đó, chị Hạng Thị Sú, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) đã tích cực triển khai các phong trào, hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động cho mỗi cán bộ, hội viên.

Với vai trò, trách nhiệm của mình, chị Hạng Thị Sú luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào học và làm theo Bác. Chị Sú nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội dung chỉ đạo của Hội cấp trên; từ đó tích cực tuyên truyền, triển khai đến các hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức cho 100% cán bộ, hội viên đăng ký việc làm theo tấm gương Bác Hồ; duy trì có hiệu quả các mô hình học và làm theo Bác về thực hành tiết kiệm, chung tay bảo vệ môi trường. Để việc học và làm theo Bác có sức lan tỏa sâu rộng, chị Sú vận động các chi hội tuyên truyền đến hội viên thực hiện những nội dung làm theo Bác một cách cụ thể, sát thực tế và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh.

Xác định phát triển kinh tế vừa góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo, vừa là đòn bẩy thực hiện các nhiệm vụ; chị Sú tích cực triển khai phong trào giúp nhau làm kinh tế và thực hiện mô hình tiết kiệm. Trong năm 2022, chị Sú đã vận động chị em tham gia hoạt động tiết kiệm với 378 thành viên, tiết kiệm được hơn 120 triệu đồng, đã giúp đỡ 125 hội viên, phụ nữ vay phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Hội phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa rà soát, hỗ trợ 100 hộ vay vốn với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng, huy động tiết kiệm tại 8 tổ với 294 thành viên tham gia, số dư tiền gửi tiết kiệm là hơn 60 triệu đồng. Chung tay xây dựng nông thôn mới, chị Sú vận động chị em tham gia đóng góp 400 ngày công đổ bê tông làm đường và triển khai mô hình con đường hoa tới 12 chi hội trực thuộc. Từ sự chung tay góp sức của đông đảo hội viên phụ nữ, bộ mặt nông thôn Xá Nhè đổi thay từng ngày với cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Nhờ tổ chức hoạt động theo hướng đổi mới, sáng tạo và phù hợp, các phong trào của Hội được chị Sú triển khai đều được hội viên phụ nữ tích cực hưởng ứng, đạt kết quả cao, góp phần thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, đưa phong trào của Hội LHPN xã Xá Nhè ngày càng phát triển, vững mạnh. Năm 2021, chị Sú vinh dự là một trong những điển hình tiên tiến được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong học tập và làm theo lời Bác.

3. Khi Nhà nước và Nhân dân cùng làm

Sau hơn một thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Điện Biên đã bứt phá trở thành huyện dẫn đầu trong tỉnh về số xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM. Diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, đó là những “trái ngọt” tạo thành từ sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc.

Xác định xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, vì thế từ khi triển khai chương trình, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội huyện Điện Biên đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông để người dân có nhận thức đúng đắn về chủ trương, nhiệm vụ xây dựng NTM của Đảng và Nhà nước, quyết tâm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM.

Bên cạnh tuyên truyền, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, thường xuyên bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, từ đó điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời khó khăn trong quá trình thực hiện. Xuyên suốt quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Việc khó thì cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu làm trước; tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi công việc. Nhờ đó mà nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia hiến kế, hiến đất, hiến công; chung tay hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Điện Biên đã vận động người dân và cộng đồng đóng góp 17,962 tỷ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với giai đoạn 2010 - 2015; từ năm 2021 đến tháng 6/2022 toàn huyện đã huy động được trên 25 tỷ đồng.

Xã Thanh Xương khi bắt đầu xây dựng NTM (năm 2011) chỉ cơ bản đạt 10/19 tiêu chí. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp với quy mô nhỏ, lẻ; kết cấu hạ tầng thấp kém không đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: “Để có thành quả đáng mừng như hôm nay, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, thì sự đóng góp to lớn của nhân dân được xem là “chìa khóa” thành công”. Thời gian qua, nhân dân xã Thanh Xương đã tự nguyện hiến nhiều đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.

Nhà văn hóa thôn 24, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) được xây dựng khang trang từ sự hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của Nhân dân.

Nhờ hướng đi đúng đắn cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân, phong trào xây dựng NTM đã làm bộ mặt xã Thanh Xương đổi thay đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân ngày càng nâng cao. Nếu như năm 2017 khi cán đích NTM, thu nhập bình quân xã Thanh Xương mới đạt 26,501 triệu đồng/người/năm thì tới năm 2022 đã tăng lên 41,8 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 0,8%; xã có 7/22 thôn, bản, đội cán đích NTM kiểu mẫu.

Thành quả từ sự chung sức, đồng lòng

Có thể thấy rằng, sau hơn một thập kỷ triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, với sự đồng lòng của nhân dân, huyện Điện Biên đã đạt nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Đến hết tháng 9/2022, toàn huyện có 16/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM chiếm 76,2% tổng số xã trên địa bàn huyện (trong đó, 12 xã đạt chuẩn NTM và 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM). Không có xã nào dưới 10 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 16,95 tiêu chí NTM.

Diện mạo NTM huyện Điện Biên đã khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, những con đường bê tông rộng mở nối dài; điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, nhà cửa khang trang, môi trường, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững. Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã và đang được cải thiện, nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Đến hết tháng 9/2022 ước tỷ lệ hộ nghèo còn 2.993 hộ, chiếm 11,88%.

Trong phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, huyện Điện Biên đã triển khai thực hiện Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” tại 5 cánh đồng, tổng diện tích 334,9ha. Tại các xã vùng lòng chảo Thanh Xương, Noong Luống, Thanh An, Thanh Chăn, Dự án hỗ trợ “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất” với tổng diện tích 150ha. Đầu tư thực hiện thí điểm lắp dựng kênh bê tông đúc sẵn 1,6km tại khu ruộng dồn điền, đổi thửa xã Thanh Hưng… Góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 78.214,82 tấn.

Với phương châm “NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi đón nhận quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, chính quyền các xã tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí với đích đến là NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đến hết tháng 9/2022 (theo lũy kế), toàn huyện có 47 thôn, bản được công nhận đạt NTM (trong đó 35 “thôn, bản nông thôn kiểu mẫu” và 12 “thôn, bản NTM”). Ông Dương Đức Chính, Bí thư Chi bộ Đội 7 (xã Thanh Xương) chia sẻ: Để xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, đội đã tiến hành rà soát, kiểm tra, đánh giá tổng thể xem xét các bước trong quá trình thực hiện. Đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau. Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chi bộ đã huy động sự đồng tình, tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; phát động toàn dân, doanh nghiệp và con em quê hương làm ăn ở xa cùng chung tay xây dựng. Tới nay, thu nhập bình quân đầu người ở đội đạt 56 triệu đồng/năm, không còn hộ nghèo, đội cán đích NTM kiểu mẫu từ tháng 1/2020.

Có thể thấy rằng, những thành tựu đáng mừng từ chương trình xây dựng NTM đã minh chứng cho sự phát triển toàn diện, bền vững của huyện Điện Biên. Điều đó càng khẳng định thêm mối quan hệ khăng khít, bền chặt, sự chung sức, đồng lòng giữa “ý Đảng - lòng dân”; tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và phát triển quê hương Điện Biên ngày càng giàu mạnh.

Nguyễn Hiền - Minh Thảo - Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top