Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris (27/1/1973 - 27/1/2023):

Bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

07:54 - Thứ Sáu, 27/01/2023 Lượt xem: 6272 In bài viết

Cách đây đúng 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (gọi tắt là Hiệp định Paris) được ký kết. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân ta, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN

1.Trong thời gian khoảng 5 năm (1968-1973), Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao. Đến tháng 10-1972, Việt Nam và Mỹ đã đạt được bản dự thảo Hiệp định, với những nội dung cơ bản: Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân chư hầu; triệt thoái hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam. Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do. Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị…

Đối với ta, đây là những mục tiêu cơ bản đặt ra trong quá trình đàm phán. Theo những nội dung trên nếu được ký kết sẽ tạo sự thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng và sự nghiệp giải phóng miền Nam. Quân Mỹ rút hết, quân đội Sài Gòn không còn “chỗ dựa”, trong khi lực lượng ta ngày càng mạnh lên. Nhưng thực chất đây là kế hoãn binh của Mỹ vì khi đó cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần. R.Nixon buộc phải xoa dịu căng thẳng với cử tri Mỹ và trấn an dư luận phản đối chiến tranh của thế giới rằng “hòa bình đã ở trong tầm tay”, “chiến tranh Việt Nam sắp vãn hồi”.

Sau khi đạt được nội dung cơ bản dự thảo Hiệp định, Mỹ và Việt Nam Dân chủ cộng hòa thống nhất lịch trình ký chính thức là ngày 25 hoặc 26-10-1972. Tuy nhiên, Mỹ tìm cớ trì hoãn việc ký kết bằng cách đưa ra những đòi hỏi khó chấp nhận đối với Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Ngày 7-11-1972, R.Nixon tái cử tổng thống nhiệm kỳ lần thứ hai, sau đó ông ta lật lọng đòi Việt Nam sửa chữa 126 điểm trong thỏa thuận của hai bên để có lợi cho Mỹ và tuyên bố ngừng đàm phán với ta. Trong đó, Mỹ tập trung vào việc đòi miền Bắc cùng rút quân; phủ nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; giảm nhẹ cam kết của Mỹ.

Ngoài ra, R.Nixon còn đòi thế hợp pháp cho chính quyền Sài Gòn của Nguyễn Văn Thiệu, đòi miền Nam là một quốc gia riêng biệt. H.Kissinger dọa dẫm: “Nếu cuộc thương lượng bị tan vỡ thì chiến tranh sẽ tiếp diễn với cường độ mạnh hơn”.

Qua quá trình đàm phán, nhân dân Mỹ cũng như nhân dân tiến bộ trên thế giới dần hiểu những thủ đoạn, mưu đồ đen tối, tính chất phi nghĩa, tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Washington. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên phong trào nhân dân thế giới rộng lớn chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam - đã tác động rất lớn tới dư luận tiến bộ Mỹ, thúc đẩy sự lớn mạnh của phong trào phản chiến ngay trong lòng nước Mỹ.

2. Về phía ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Paris đã phối hợp nhịp nhàng với mặt trận quân sự, phát huy thắng lợi trên các chiến trường, giữ vững thế chủ động trong đàm phán, liên tục tiến công. Song song với đấu tranh trên bàn đàm phán, các hoạt động tranh thủ dư luận quốc tế tại Hội nghị Paris làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng và thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam.

Để ép ta nhân nhượng, ký kết những điều khoản trong hiệp định mà Mỹ đưa ra, R.Nixon có âm mưu giành thắng lợi quân sự nhất định và cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã diễn ra nhằm mục đích đó. Tuy nhiên, cuộc tập kích ấy bị phá sản hoàn toàn và sự thất bại của Mỹ trên chiến trường đã dẫn đến thất bại trên bàn thương lượng.

Cuối cùng, đúng 12h30 (giờ Paris) ngày 22-1-1973, tại Trung tâm Các hội nghị quốc tế Kléber, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và H.Kissinger ký tắt.

Trên tư thế là bên chiến thắng, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định được thỏa thuận như sau: Một là, Mỹ và các nước công nhận và cam kết tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hai là, chấm dứt chiến sự ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động quân sự chống nước Việt Nam; Ba là, các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ; Bốn là, thực hiện ngừng bắn tại chỗ, trao trả nhân viên quân sự, thường dân bị bắt.

Ngày 27-1-1973, Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức giữa Bộ trưởng Ngoại giao các bên.

Với Hiệp định Paris về “lập lại hòa bình, chấm dứt chiến tranh”, Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, là cơ sở pháp lý cho việc chấm dứt dính líu và can thiệp quân sự, cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam. Từ kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường, việc ký kết Hiệp định Paris còn tạo ra bước ngoặt mới trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” và tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top