Hướng tới xây dựng chính quyền số để phục vụ tốt hơn

07:42 - Thứ Hai, 06/02/2023 Lượt xem: 4943 In bài viết

ĐBP - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với quá trình chuyển đổi số, mô hình chính quyền số đã trở thành xu thế tất yếu trên thế giới cũng như tại nước ta. Thời gian qua, Điện Biên cũng đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng và phát triển chính quyền số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt hơn cho người dân...

Công chức xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trên máy tính.

Tỉnh ta đã tập trung vào phát triển các nền tảng, hệ thống số. Hiện nay, 100% ứng dụng có dữ liệu dùng chung của tỉnh được kết nối, sử dụng qua nền tảng chia sẻ và tích hợp dữ liệu cấp tỉnh; 100% dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được đưa vào sử dụng chính thức.

Điện Biên cũng đang triển khai thí điểm nền tảng đô thị thông minh (IOC). Các hệ thống thông tin dùng chung được xây dựng đáp ứng đầy đủ các chức năng, yêu cầu kỹ thuật theo quy định để phục vụ hoạt động nội bộ của cơ quan Nhà nước và người dân, doanh nghiệp hiệu quả. Cụ thể như, hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản Quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tỉnh. Đến nay, tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt trên 97%; 100% sở, ngành và tương đương có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt từ 80% trở lên; 100% phòng thuộc UBND cấp huyện có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt từ 50% trở lên. 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ (trên 3.900 tài khoản); trên 90% cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong xử lý công việc...

Ngoài ra, hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (kết nối từ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đến 129 xã, phường). Số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng. Năm 2022, toàn tỉnh thực hiện trên 90 cuộc hội nghị truyền hình trực tuyến; trong đó, 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên quốc tế. Ngoài ra, hình thức họp trực tuyến đến từng thiết bị cá nhân cũng được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai. Không chỉ vậy, 100% cơ quan cấp tỉnh và huyện triển khai áp dụng hệ thống chỉ đạo và điều hành phục vụ công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao, hạn chế và khắc phục tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc. Giải pháp họp không giấy cho các cuộc họp của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai hiệu quả...

Để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động triển khai, tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chuyển đổi số. Đồng thời, thông qua nền tảng học trực tuyến mở đại trà, tỉnh đăng ký nhiều lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia các khóa học về kỹ năng số như: Đăng ký tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho khoảng 200 người dùng cuối; đăng ký lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số cho gần 400 lãnh đạo UBND cấp xã...

Toàn tỉnh đã thành lập trên 1.000 tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã và thôn, bản với trên 5.500 người tham gia là lãnh đạo UBND cấp xã, đại diện hội phụ nữ, thanh niên, công an, giáo viên, các thôn, bản tại địa phương. Để thông qua tổ công nghệ số cộng đồng có thể đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho đầu mối tổ chuyển đối số cộng đồng cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Cùng với đó, hạ tầng số các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền số của tỉnh: Tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đạt 100%, cấp xã trên 95%. 100% cơ quan Nhà nước các cấp có mạng nội bộ (LAN), kết nối mạng internet băng rộng cố định và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số của tỉnh được triển khai theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định...

Đến nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh được nâng cấp trên cơ sở hợp nhất giữa cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, có đầy đủ tính năng theo quy định. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết và cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện 49%, cấp xã 38%; 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 53%; trong đó, hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 82%; thủ tục hành chính được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống của tỉnh đạt 100%; thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt hơn 60%; hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt hơn 27%...

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top