Giám sát chuyên đề về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp tại huyện Mường Ảng và Điện Biên

18:45 - Thứ Ba, 28/02/2023 Lượt xem: 5210 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh Điện Biên ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên từ năm 2019 - 2023”, ngày 28/2, các Tổ giám sát của HĐND tỉnh thực hiện giám sát trên địa bàn huyện Mường Ảng và huyện Điện Biên.

Đồng chí Lò Văn Phương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng tổ giám sát số 1 kiểm tra Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tại xã Búng Lao, huyện Mường Ảng. Ảnh: Văn Tâm

Giai đoạn 2019 – 2023, huyện Mường Ảng được bố trí hơn 12 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện hỗ trợ gần 9 tỷ đồng (đạt 73,8% tổng nguồn vốn). Tốc độ giá trị gia tăng sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 4%/năm; giá trị sản xuất bình quân 1ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 47 triệu đồng/ha. Trong giai đoạn này, huyện đã khuyến khích, thu hút được 10 doanh nghiệp và 9 hợp tác xã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Duy trì và triển khai thực hiện hiệu quả 5 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Huyện Mường Ảng kiến nghị xem xét chính sách hỗ trợ việc tái canh, cải tạo cây cà phê; xem xét, bổ sung nội dung làm chuồng trại chăn nuôi vào chính sách. Đối với phần diện tích nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên) đã cam kết tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025, đề nghị dừng không thực hiện đầu tư. Huyện đề nghị ưu tiên diện tích này phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối và trồng rừng phòng hộ, sản xuất…

Trên địa bàn huyện Điện Biên, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế, có sức cạnh tranh cao theo từng vùng, từng xã; đầu tư theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa có liên kết tiêu thụ sản phẩm, góp phần đạt được một số mục tiêu quan trọng, như: Tốc độ tăng trưởng giá trị nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân đạt trên 4%/năm; giá trị sản xuất bình quân đạt trên 70 triệu đồng/ha (không tính diện tích đất nương). Giai đoạn 2019 – 2022, toàn huyện đã thu hút được 7 doanh nghiệp và 5 hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến, phân phối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện. Duy trì, thực hiện hiệu quả 11 dự án liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm, gồm: 3 chuỗi sản phẩm lúa gạo; 2 chuỗi sản phẩm cá thương phẩm; 1 chuỗi trâu bò vỗ béo; 2 chuỗi sản xuất rau an toàn; 2 chuỗi sản phẩm dược liệu dưới tán rừng và 1 chuỗi sản xuất mật ong. Huyện Điện Biên cũng hỗ trợ thực hiện hiệu quả công tác thú y như: Hỗ trợ tiêm vắc xin, tập huấn kiến thức cho viên chức và nhân viên thú y cơ sở.

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ giám sát số 2 thống nhất các nội dung tại buổi làm việc với UBND huyện Điện Biên. Ảnh: Phạm Trung

Huyện Điện Biên đề nghị HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐND như: Không quy định hạn mức hỗ trợ tối đa đối với 1 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cho phép HTX, doanh nghiệp tạm ứng 50% kinh phí hỗ trợ sau khi kí hợp đồng với chủ đầu tư, đồng thời cho phép nghiệm thu, thanh toán đối với từng hạng mục hoàn thành của dự án; tăng hạng mức hỗ trợ kinh phí làm nhà xưởng, mua máy móc, trang thiết bị; điều chỉnh hạn mức diện tích thực hiện bảo vệ và trồng tập trung cây hoa ban tối thiểu 0,5ha.

Đồng chí Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh, Tổ trưởng tổ giám sát số 1 đề nghị huyện Mường Ảng làm rõ việc một số nội dung chính sách huyện chưa thực hiện hỗ trợ trong giai đoạn này (khoanh nuôi tái sinh; hỗ trợ mở điểm thụ tinh nhân tạo và đào tạo dẫn tinh viên; cải tạo đàn trâu bò địa phương bằng thụ tinh nhân tạo) và một số nội dung hỗ trợ chưa phù hợp với thực tế. Làm rõ những khó khăn, vướng mắc về chính sách trong quá trình thực hiện; một số nội dung không phù hợp với kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025. Để phát huy hiệu quả chính sách, đề nghị huyện tập trung hỗ trợ liên kết, phát triển sản phẩm. Đối với kiến nghị về việc dừng không thực hiện đầu tư đối với Công ty Cổ phần Him Lam Mắc ca Điện Biên và chuyển sang phát triển vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối, đề nghị huyện Mường Ảng báo cáo, xin ý kiến của UBND tỉnh.

Tổ giám sát số 2 giám sát thực tế tại mô hình liên kết sản xuất rau sạch của HTX nông nghiệp tổng hợp Noong Luống (xã Noong Luống, huyện Điện Biên). Ảnh: Phạm Trung

Đối với UBND huyện Điện Biên, đồng chí Giàng Thị Hoa, Tổ trưởng tổ giám sát số 2 đề nghị bổ sung, giải trình đối với 2/6 nội dung thuộc Nghị quyết chưa được thực hiện và 2/6 nội dung mới chỉ thực hiện được 1 phần; nêu rõ những khó khăn, vướng mắc đối với một số nội dung giao cho huyện chủ trì thực hiện.

Các tổ giám sát đã đi kiểm tra thực tế một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn huyện Mường Ảng và Điện Biên.

Phạm Trung – Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top