Vấn đề tuần này

Quan tâm tạo nguồn kết nạp Đảng

07:19 - Thứ Năm, 02/03/2023 Lượt xem: 5245 In bài viết

ĐBP - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra mục tiêu bình quân mỗi năm toàn tỉnh kết nạp 2.500 đảng viên. Để thực hiện mục tiêu này, các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đều được giao chỉ tiêu cụ thể phát triển đảng viên hàng năm. Tuy nhiên, kết quả phát triển đảng viên năm 2021, 2022 của tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra; trong đó, năm 2021 toàn tỉnh kết nạp 1.706 đảng viên, năm 2022 kết nạp 2.405 đảng viên. Do nhiều nguyên nhân, công tác phát triển đảng viên khu vực vùng cao, đảng viên người dân tộc thiểu số đang gặp nhiều khó khăn về tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp và cũng là trăn trở của các đảng bộ cấp huyện. Để giải bài toán phát triển đảng viên cần những giải pháp đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với đặc thù địa phương.

Đảng lãnh đạo toàn diện, mọi mặt đời sống xã hội nên công tác phát triển đảng viên, quan tâm địa bàn còn “trắng” tổ chức đảng được Đảng bộ tỉnh coi trọng, đề ra mục tiêu, giải pháp thực hiện. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh xác định mục tiêu bình quân mỗi năm kết nạp 2.500 đảng viên, 100% thôn, bản có đảng viên và thành lập được chi bộ độc lập. Quán triệt phương châm “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”, công tác phát triển đảng viên được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị cả trước mắt và lâu dài. Điện Biên là địa bàn miền núi, vùng cao với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, việc phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng vững mạnh càng cần coi trọng, đặc biệt là tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp Đảng khu vực nông thôn, vùng cao.

Thực tế hiện nay, công tác phát triển đảng viên ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều gặp khó khăn về nguồn quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Lực lượng đoàn viên, thanh niên - đối tượng chính để bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển đảng viên đang ngày càng giảm ở các địa phương. Nhiều thanh niên lớn lên đi học, đi làm xa không ở thôn bản, quê hương; những người ở lại không đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ văn hóa, ít tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể dẫn đến khó chọn nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Vì thế, tình trạng “già hóa” đảng viên đang là xu hướng ở nhiều chi bộ thôn bản bởi có địa bàn hai năm liền không có quần chúng ưu tú, phấn đấu vào Đảng. Điều này đòi hỏi các tổ chức đảng, đoàn thể cần tăng cường giáo dục, bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí cho đoàn viên, hội viên, quần chúng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp quần chúng thấy rõ việc phấn đấu trở thành đảng viên là vinh dự, trách nhiệm và là cơ hội để hoàn thiện bản thân, cống hiến tốt hơn cho thôn, bản, quê hương mình.

Huyện Điện Biên được giao chỉ tiêu kết nạp Đảng hàng năm cao nhất tỉnh với bình quân 310 đảng viên kết nạp mới mỗi năm. Là địa bàn được coi thuận lợi nhất tỉnh với vùng lòng chảo rộng, trình độ dân trí cao hơn các huyện khác song việc phát triển đảng viên của huyện Điện Biên vẫn chưa đạt kế hoạch giao cũng bởi khó khăn về nguồn. Một phần thanh niên đi làm xa, phần lo ngại hơn là lực lượng sinh sống tại địa bàn dân cư thôn bản không hào hứng phấn đấu vào Đảng. Các hoạt động phong trào, đoàn thể tại địa phương là điều kiện thuận lợi để đánh giá, lựa chọn quần chúng ưu tú bồi dưỡng kết nạp Đảng. Tuy nhiên, phần lớn thanh niên sống ở địa bàn nông thôn, vùng cao hiện nay ngày càng ít tham gia các hoạt động phong trào, không có động cơ phấn đấu, nhiều thanh niên không muốn vào Đảng. Đảng viên kết nạp mới ở các xã chủ yếu dựa vào quần chúng ưu tú khối trường học, cơ quan, trạm y tế... Song xét về lâu dài, nguồn quần chúng ưu tú ở khu vực này thiếu bền vững và không dồi dào.

Đảng viên ít khiến việc triển khai nhiệm vụ ở các chi bộ, địa bàn dân cư gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, triển khai các phong trào thi đua khó hiệu quả khi thiếu những nhân tố đầu tàu, đảng viên gương mẫu. Đẩy mạnh phát triển đảng viên, các địa phương trong tỉnh đã áp dụng nhiều giải pháp trong đó có phân công cấp ủy cấp trên dự sinh hoạt, nắm tình hình tổ chức đảng cấp dưới, quan tâm giám sát việc tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng. Đồng thời, các tổ chức đảng, đảng viên phát huy vai trò “hạt nhân” lãnh đạo, đoàn kết, tập hợp nhân dân, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào. Mỗi đảng viên luôn tiên phong làm gương, từ phát triển kinh tế gia đình tới tham gia các hoạt động, phong trào; gần gũi, gắn bó với nhân dân, hướng dẫn bà con cách thức phát triển sản xuất, cải thiện đời sống... Cùng với tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy niềm tự hào phấn đấu vào Đảng của đoàn viên, hội viên. Khi vai trò của tổ chức đảng, đảng viên được phát huy, nhân dân mới lấy đó làm gương để có động lực phấn đấu vào Đảng.

Đảng muốn mạnh phải xây dựng được lực lượng tổ chức đảng, đảng viên đông đảo và hùng mạnh. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, bên cạnh việc rà soát, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tham nhũng, tiêu cực... cần phải có giải pháp hiệu quả bổ sung lực lượng đảng viên đảm bảo vai trò, sức mạnh tổ chức đảng. Các chi bộ khu vực nông thôn, vùng cao trong tỉnh hiện nay đang rất cần “tiếp sức” về lực lượng đảng viên để nâng cao năng lực lãnh đạo và nhân lực đảm đương công việc của tổ chức đảng tại cơ sở.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top