Oanh liệt mốc son mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ

09:31 - Thứ Hai, 13/03/2023 Lượt xem: 4843 In bài viết

ĐBP - Ngày này 69 năm về trước - 13/3/1954, lòng chảo Mường Thanh rung chuyển, cụm cứ điểm Him Lam của Pháp như bị dội sấm sét trước đòn tấn công bất ngờ của quân đội ta. Màn khai hỏa ấy đã mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn đến chiến thắng oanh liệt, phá tan “cánh cửa thép”, “cối xay thịt” của “pháo đài bất khả xâm phạm” mà Pháp đã rêu rao tự đắc.

Du khách tham quan di tích Trung tâm đề kháng Him Lam.

Trung tâm đề kháng Him Lam nằm phía Đông Bắc lòng chảo Mường Thanh, thuộc phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cách Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của tướng Đờ-cát 2,5km, án ngữ trên đường từ Tuần Giáo đi Điện Biên - địch cho rằng đây là hướng tấn công chính của bộ đội ta. Vì vậy quân Pháp đã bố trí tại Him Lam một tiểu đoàn tăng cường có quân số 750 người, thuộc bán lữ đoàn lê dương số 13 - một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng trấn giữ. Trung tâm đề kháng Him Lam được xây dựng thành 3 cứ điểm, trên 3 quả đồi tạo thành thế chân kiềng để dễ dàng chi viện và bảo vệ lẫn nhau. Trong mỗi cứ điểm đều có hệ thống hầm cố thủ, giao thông hào, lô cốt, trận địa chiến đấu được xây dựng kiên cố cùng với tầng tầng lớp lớp hàng rào dây thép gai. Dưới hàng rào là cả bãi mìn dày đặc. Về hỏa lực, Him Lam được tăng cường tối đa về súng ống, đạn dược vũ khí cá nhân đến các loại vũ khí hạng nặng và được lực lượng trọng pháo ở trung tâm Mường Thanh, Hồng Cúm yểm trợ... Với sự bố trí ấy, Trung tâm đề kháng Him Lam trở thành cụm cứ điểm vô cùng mạnh và hoàn hảo.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị của ông Bùi Kim Điều (hiện sinh sống tại tổ 9, phường Him Lam), C405- E165 - F312, trực tiếp tham gia đánh trận mở màn Him Lam. Ông Điều nhớ lại: “Máy bay địch bay khắp nơi rải truyền đơn và phát loa rằng Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, đụng vào Him Lam là tự nguyện vào chỗ chết. Nhưng đã chọn con đường cách mạng thì chúng tôi không nghĩ đến sống chết, mà quyết chiến giành độc lập dân tộc”.

Anh dũng tiến về phía trước với ý chí sục sôi, chiến đấu đến cùng là khí thế trong toàn quân ta lúc bấy giờ khi hướng về Điện Biên. Chiến sỹ Điện Biên Nguyễn Hữu Chấp (hiện sinh sống tại tổ dân phố 20, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ) thời điểm ấy là khẩu đội trưởng cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, cũng kể lại: “Đảng viên chúng tôi làm gương để động viên tinh thần anh em, mỗi người viết 1 quyết tâm thư sẵn sàng, xung phong hoàn thành nhiệm vụ, hạ gục Him Lam, không để trận đánh kéo dài. Các chiến sỹ cũng tự tay viết 1 khẩu hiệu riêng “quyết đánh quyết thắng, không thắng không về” lên mẩu giấy nhỏ rồi cài trên mũ. Cứ thế không khí sôi sục hành quân vào trận địa”.

Với mục tiêu tiêu diệt bằng được cụm cứ điểm Him Lam, tạo khí thế cho các đại đoàn khác đánh Điện Biên Phủ, khẩu đội của ông Chấp đã không quản khó khăn, vất vả ròng rã nửa tháng trời đào hào từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. “Đồng đội chia nhau từng hớp nước, nắm cơm, suốt nhiều ngày đêm phải vùi mình trong bùn đất ẩm ướt thiếu khí thở, ngột ngạt. Cuối cùng, thì cũng đến giờ khai hỏa - 17 giờ, ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt nhả đạn, lao vun vút vào các vị trí ở cứ điểm Him Lam. Địch bất ngờ không kịp trở tay” - ông Chấp chia sẻ thêm.

Ngay loạt đạt đầu tiên, pháo binh ta đã lập công xuất sắc, bắn sập sở chỉ huy Trung tâm đề kháng Him Lam, giết chết tiểu đoàn trưởng và 3 sỹ quan địch, phá hủy hệ thống điện đài, cắt đứt liên lạc giữa Him Lam với Mường Thanh. Cuộc chiến tiếp tục cam go, ác liệt. Tại cứ điểm số 2, địch điên cuồng nhả đạn khiến bộ đội ta không thể tiến lên, nhiều chiến sĩ ta đã hy sinh. Tiểu đội trưởng Phan Đình Giót anh dũng đè thân mình lên họng súng địch, bịt chặt lỗ châu mai để Đại đội 58 xông lên diệt hỏa điểm, cùng các mũi tấn công tiến về phía quân thù.

Đến 22 giờ 30 phút, toàn bộ 3 cứ điểm của Pháp đều bị tiêu diệt, “cánh cửa thép” Trung tâm đề kháng Him Lam hoàn toàn bị phá hủy. Quân ta tiêu diệt gần 300 tên địch, bắt sống hơn 200 tên, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ một cách vang dội, là tiền đề cho thắng lợi cuối cùng ngày 7/5/1954.

Sau ngày giải phóng, đã có nhiều chiến sĩ Điện Biên được giao nhiệm vụ ở lại “3 cùng”, giúp người dân các bản gây dựng lại cuộc sống. Bộ đội giúp nhân dân thu dọn tàn tích chiến tranh, vệ sinh phòng bệnh, san sẻ từng hạt muối, hạt gạo, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu. Bộ đội cũng giúp các bản bầu và vận hành lại bộ máy chính quyền bản để lãnh đạo nhân dân cùng nhau chung sức vượt khó. Những lớp học xóa mù chữ của “thầy giáo bộ đội” cũng được mở ra. Ngay dưới chân đồi Him Lam còn đầy những bom mìn, cuộc sống nhanh chóng hồi sinh, đơm những trái ngọt.

Đến nay, Him Lam đã trở thành đơn vị hành chính quan trọng của TP. Điện Biên Phủ với nhiều cơ quan Nhà nước, nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ... Những bản làng đồng bào dân tộc Thái bản địa ngày càng no ấm, hiện đại, phát triển hơn và trở thành bản văn hóa du lịch thu hút du khách thập phương. Ngày 13/3 - khai hỏa chiến dịch, giờ đây không chỉ là dấu mốc lịch sử mà còn là ngày hội tưng bừng của mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Dịp này hàng năm, người dân địa phương và du khách gần xa vui tưng bừng với các hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban - mở đầu mùa du lịch Điện Biên. Trung tâm đề kháng Him Lam là 1 di tích quan trọng được trùng tu, bảo vệ trong Quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. Từ mốc son chói lọi của lịch sử, trận đánh mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Điện Biên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top