Kiểm tra, giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm

07:03 - Chủ Nhật, 19/03/2023 Lượt xem: 5236 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã trở thành nhiệm vụ chính, trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Để nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC, các cơ quan chức năng đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát theo kế hoạch được giao, kế hoạch đột xuất, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, vi phạm.

Ban Dân tộc (HĐND tỉnh) giám sát tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 tại huyện Tuần Giáo.

Hàng năm, thực hiện chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, ngành Thanh tra tỉnh đã xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể, chi tiết đối với từng ngành, từng địa phương. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, thời sự được cử tri và nhân dân quan tâm như: Quản lý đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; quản lý hành lang an toàn giao thông vận tải; quản lý sử dụng tài chính ngân sách; việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân... Qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Thanh tra đã kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm của các tổ chức, cá nhân; góp phần nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành, đơn vị trong việc khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong công tác quản lý.

Năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện 75 cuộc thanh tra hành chính, 84 cuộc thanh tra chuyên ngành. Qua thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế với tổng số tiền 4,971 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra đã ban hành 105 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 878,75 triệu đồng; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 12 tập thể, 50 cá nhân. Đến ngày 15/12/2022, đã thu hồi về ngân sách nhà nước 4,078 tỷ đồng, đạt 93,4%; kiểm điểm rút kinh nghiệm 100% tổ chức và cá nhân phải kiểm điểm.

Đầu tư xây dựng luôn là vấn đề “nóng” được người dân quan tâm và cũng là lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm, vi phạm. Năm 2022, Thanh tra tỉnh đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra về công tác quản lý, đầu tư xây dựng tại các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tháng 8/2022, Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra công tác quản lý, đầu tư xây dựng tại phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Kinh tế, phòng Quản lý đô thị thuộc UBND TP. Điện Biên Phủ. Thanh tra tỉnh đã kiểm tra hồ sơ của 17 dự án đầu tư xây dựng, kiểm tra thực tế 11/17 dự án. Qua thanh tra đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng như: Công tác khảo sát, lập dự án của chủ đầu tư tại một số dự án chưa phù hợp với thực tế hiện trường mặt bằng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh dự án đầu tư (công trình Trường Tiểu học số 1 Nà Nhạn; công trình kênh Thủy lợi Huổi San Nà Ngám, xã Nà Nhạn). Báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình trồng cây xanh, cây cảnh trên địa bàn thành phố năm 2021 do Phòng Quản lý đô thị lập có hạng mục chăm sóc cây hoa ban chưa phù hợp với chủ trương đầu tư được phê duyệt. Công tác lập dự toán chi phí khảo sát địa chất, địa hình; dự toán xây dựng tại một số hạng mục của dự án chưa chính xác việc áp dụng định mức, tiêu chuẩn một số hạng mục chưa đúng quy định dẫn đến thanh toán sai giá trị. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm: 571,989 triệu đồng nộp ngân sách nhà nước; giảm trừ qua nghiệm thu, thanh toán các công trình 126,869 triệu đồng. Điều chỉnh dự toán gói thầu thi công xây dựng công trình trồng cây xanh, cây cảnh trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ năm 2021 cho đúng với chủ trương đầu tư được phê duyệt. Đồng thời, đề nghị Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ tổ chức họp kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân liên quan.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giám sát những vấn đề được cử tri quan tâm đã được các cơ quan dân cử như: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh cùng với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chú trọng thực hiện. Vừa qua, các Ban HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022. Qua giám sát trực tiếp 43 dự án và giám sát qua báo cáo đối với tiến độ thực hiện các dự án, các ban HĐND tỉnh đã phát hiện và chỉ ra nhiều tồn tại trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022 như: Một số dự án thời gian thực hiện đến năm 2022 song tiến độ thi công chậm phải kéo dài, điều chỉnh thời gian thực hiện nhiều lần; các chủ đầu tư chưa chủ động phối hợp hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán công trình, dự án, bàn giao đưa vào sử dụng; năng lực nhiều nhà thầu còn yếu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án... HĐND tỉnh đã có kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh, các chủ đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố để khắc phục các tồn tại, hạn chế.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top