Vấn đề tuần này

Bài học cho người ở lại

08:19 - Thứ Năm, 30/03/2023 Lượt xem: 5045 In bài viết

ĐBP - Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, do vậy hệ thống giao thông (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ…) còn nhiều bất cập. Trên các tuyến đường vẫn còn tiềm ẩn nhiều điểm đen giao thông. Do đường miền núi, nhiều cua gấp khúc, phần lớn các tuyến đường chưa có hệ thống chiếu sáng vào ban đêm. Vào mùa đông, lúc đêm tối thường có sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn của lái xe, là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế, kỹ năng lái xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện… chưa thuần thục; nhiều người chưa có giấy phép lái xe hạng A1, chưa đủ tuổi lái xe máy nhưng vẫn tham gia giao thông. Không ít trường hợp đã uống rượu bia nhưng vẫn tham gia giao thông, gây tai nạn, trong đó có cả thanh, thiếu niên, học sinh chưa đủ 18 tuổi. Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra đầu tháng 2 tại huyện Mường Ẳng, làm 4 người chết, 1 người bị thương (các nạn nhân trong vụ tai nạn đều đang trong độ tuổi đi học 17 - 18 tuổi), là bài học đắt giá, đau lòng cho người ở lại.

Sau khi tai nạn xảy ra, các lực lượng chức năng kịp thời có mặt tại hiện trường, đưa người bị thương đi cấp cứu, lấy lời khai các đối tượng liên quan, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, phân tích nguyên nhân gây tai nạn… Điều đáng nói, tất cả các nạn nhân trong vụ tai nạn đều có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở. Nghĩa là trước khi tham gia giao thông, các nạn nhân đã uống rượu, bia; đã vi phạm Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Mặc dù chưa đủ 18 tuổi, chưa có giấy phép lái xe hạng A1 nhưng các thanh niên này vẫn điều khiển xe máy ra đường giữa đêm khuya (khoảng 22 giờ đêm) nên gặp tai nạn.

Nếu tham gia giao thông tại Điện Biên, nhất là ở các huyện, thị vùng cao, biên giới, rất dễ bắt gặp thanh niên, học sinh điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện mà không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em ngồi trên xe gắn máy loại 100, 110 phân khối, lao như bay trên các cung đường đèo quanh co nguy hiểm, trong khi bàn chân các em chưa chạm tới chân phanh, cần số xe. Nhiều trường hợp đèo hai, đèo ba còn lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe, nẹt pô... Chỉ cần gặp chướng ngại vật, phương tiện ô tô, xe máy đi ngược chiều là rất dễ gây tai nạn.

Thống kê của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông liên quan đến các nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên (chiếm 28% số vụ tai nạn trên địa bàn) làm 5 người chết, 6 người bị thương. Cũng trong quý I/2023 (từ 15/12/2022 - 14/3/2023), lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh phát hiện 1.766 trường hợp là thanh niên vi phạm, lập biên bản xử phạt 227 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông.

Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chưa có hoặc còn thiếu mà điều khiển mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông, thường rất dễ gây tai nạn. Không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng chính mình mà còn gây hậu quả đau lòng, thiệt thân cho người khác. Thiệt hại về kinh tế, hệ luỵ xã hội trong các vụ tai nạn giao thông là không nhỏ.

Do vậy, để giảm thiểu tới mức thấp nhất các vụ tai nạn giao thông, nhất là không để cho các cháu đang là học sinh, sinh viên chưa đủ 18 tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy, cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để mỗi người dân hiểu, tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã nỗ lực tuyên truyền, vận động bằng nhiều cách, nhiều nơi, nhiều khu vực khác nhau, nhưng kết quả không như mong muốn. Nên tới đây, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Ngoài tuyên truyền trên các tuyến giao thông, cần tuyên truyền trong các trường học, cơ sở giáo dục. Triển khai, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên phạm vi toàn tỉnh. Xây dựng chương trình giảng dạy về TTATGT cho các cấp học; ký cam kết đảm bảo TTATGT hàng năm vào đầu năm học giữa nhà trường với học sinh, sinh viên. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên trao đổi thông tin với nhà trường, gia đình và chính quyền cơ sở về các trường hợp vi phạm là học sinh, sinh viên, để có hình thức răn đe, giáo dục kịp thời.

Một mặt, lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng tham gia giao thông là người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện vi phạm các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ. Gắn trách nhiệm chủ phương tiện đối với việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện nhưng vẫn tham gia giao thông. Theo quy định, nếu để xảy ra lỗi này thì xử phạt từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng.

Thời gian qua, rất nhiều ông bố, bà mẹ, người thân giao xe cho đối tượng chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện mà không hề biết mình đã vi phạm. Do đó, hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc, đau lòng.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top