Triển khai các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án

14:36 - Thứ Hai, 03/04/2023 Lượt xem: 5281 In bài viết

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; bảo đảm tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.

Nghị quyết nêu rõ, các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân được lựa chọn chất vấn là đúng trọng tâm, vừa có tính thời sự, vừa là những vấn đề quan trọng, gắn chặt với yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn, tán thành và ghi nhận các kết quả công tác, giải pháp, cam kết của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các vị Bộ trưởng tại phiên chất vấn.

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đã tích cực triển khai các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trước yêu cầu số lượng các vụ án, vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng và phải thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đã nỗ lực khắc phục khó khăn, giải quyết số lượng lớn vụ án, vụ việc, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, cơ bản đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử đáp ứng yêu cầu đề ra. Đặc biệt, đã kịp thời truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được cử tri, Nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.  

Tuy nhiên, trong công tác xét xử vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định; tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao; tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu tuyên bố phá sản chưa cao. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân đang thụ lý, xem xét, giải quyết còn lớn. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự còn để xảy ra một số trường hợp oan; một số trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng bị trả hồ sơ yêu cầu khởi tố tội phạm mới, người phạm tội mới; một số trường hợp Viện kiểm sát phải rút quyết định truy tố; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án hành chính và kháng nghị giám đốc thẩm án dân sự của Viện Kiểm sát được Tòa án chấp nhận chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. 

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do số lượng các vụ án, vụ việc mà Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân phải thụ lý, giải quyết ngày càng tăng với tính chất phức tạp; một số quy định pháp luật chưa được hướng dẫn, giải thích kịp thời nên chưa có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng; năng lực, trình độ, trách nhiệm của một số cán bộ tư pháp còn chưa đáp ứng yêu cầu; cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của các cơ quan tư pháp, nhất là ở cấp huyện còn có khó khăn; việc chấp hành pháp luật của một số Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong giải quyết các vụ án hành chính và thi hành án hành chính còn chưa nghiêm.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong Phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh: QH)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27 tháng 11 năm 2019, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xét xử, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Cụ thể, đối với công tác xét xử, tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại án; bảo đảm tranh tụng trong xét xử; chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng. 

Xét xử các vụ án hình sự phải bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Đẩy nhanh tiến độ xét xử các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật hình sự về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội tham nhũng, chức vụ, trong đó nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu,… khoan hồng theo quy định pháp luật đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc tự nguyện bồi thường thiệt hại gây ra… Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án này.

Xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giảm bớt các vụ án phải mở phiên tòa xét xử và góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện. Khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Khẩn trương tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đề xuất sửa đổi, bổ sung nếu xét thấy cần thiết.

Đề xuất các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao tỷ lệ và chất lượng giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản. Khẩn trương tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 và báo cáo kết quả đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tiếp tục triển khai hiệu quả việc tổ chức phiên tòa trực tuyến, góp phần giảm thiểu thời gian, công sức cho người dân, cơ quan, tổ chức tham gia phiên tòa, tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và xã hội, nâng cao hiệu quả giải quyết đối với một số loại án, nhất là án hành chính. Chỉ đạo các Tòa án có biện pháp khắc phục khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến đến người dân về ý nghĩa của phiên tòa trực tuyến.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tiếp tục triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chấp hành nghiêm thời hạn tố tụng; khắc phục triệt để việc xảy ra các trường hợp oan. Việc truy tố phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm và chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nhất là Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Mọi quyết định phê chuẩn, không phê chuẩn hoặc hủy bỏ việc khởi tố bị can, áp dụng biện pháp tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác phải bảo đảm đúng căn cứ, điều kiện theo luật định. Thường xuyên kiểm sát tính hợp pháp và sự cần thiết của biện pháp ngăn chặn đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết. 

Phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án gây bức xúc dư luận xảy ra trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đấu thầu, đấu giá, lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, đăng kiểm, “tín dụng đen”, mua bán người, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng... Qua giải quyết các vụ án này, chú trọng phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước là nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm pháp luật, tội phạm để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng, kịp thời phát hiện và kiến nghị, yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá không rõ ràng, vượt quá thẩm quyền, không đúng đối tượng, không xác định thời gian hoàn thành, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không kịp thời thông tin, tài liệu và những vi phạm khác trong việc trưng cầu giám định, yêu cầu định giá; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chậm trễ, kéo dài việc thực hiện giám định, định giá. 

Chủ động rà soát, yêu cầu Cơ quan điều tra tích cực xác minh các trường hợp tạm đình chỉ điều tra, nhất là những trường hợp sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để phục hồi điều tra ngay khi có căn cứ, tránh bỏ lọt tội phạm; báo cáo Quốc hội về nội dung này trong Báo cáo công tác hằng năm. 

Tiếp tục có giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát chặt chẽ quá trình điều tra để hạn chế việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhiều lần, nhất là do lỗi chủ quan của Kiểm sát viên.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương; nâng tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và tỷ lệ phát hiện, điều tra khám phá các tội phạm thuộc thẩm quyền…

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top