Triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050

12:33 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 4580 In bài viết

ĐBP - Sáng 20/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Công bố và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia (QHTTQG) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với chủ đề “Tư duy mới - Tầm nhìn mới - Cơ hội mới - Giá trị mới”. Dự hội nghị tại điểm cầu Điện Biên có các đồng chí: Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về QHTTQG thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng… Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7,0%/năm giai đoạn 2021 - 2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD…

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, tổ chức không gian 6 vùng, gồm: Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc phát triển theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; Vùng đồng bằng sông Hồng tập trung phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và dịch vụ hiện đại; Vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh; Vùng Tây Nguyên bảo vệ rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước; Vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; Vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của cả nước, khu vực và thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành tập trung quán triệt nội dung của QHTTQG để thực hiện trong từng cơ quan, đơn vị; rà soát, cập nhật và cụ thể hóa các nội dung của QHTTQG vào các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch cấp tỉnh đã phê duyệt hoặc đang thẩm định, đang lập. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện có hiệu quả QHTTQG, nhất là tập trung nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án quan trọng quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường phân cấp huy động, sử dụng nguồn lực đầu tư ở Trung ương và địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và hiệu quả. Tập trung phát triển nguồn nhân lực bền vững, bảo đảm cân đối tổng thể, hài hòa với định hướng phân bố dân cư. Xây dựng chính sách, giải pháp đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở nâng cao năng suất, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh và nguồn nhân lực của Việt Nam. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, tăng dần cho chi đầu tư phát triển và giảm dần chi thường xuyên. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức tài chính, cơ quan tài trợ để huy động nguồn lực tài chính. Nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top