Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Khẳng định vai trò đại biểu người dân tộc thiểu số (bài 5)

09:20 - Thứ Năm, 27/04/2023 Lượt xem: 3257 In bài viết

Bài 5: Đóng góp tích cực vào thành công chung

ĐBP - Hơn 20 năm kể từ khi chia tách tỉnh, HĐND tỉnh Điện Biên trải qua gần 4 nhiệm kỳ. Mỗi nhiệm kỳ có những thành công riêng, với những quyết sách lớn về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Thành công đó ngoài sự phối hợp của các cơ quan liên quan, ủng hộ của cử tri, là nỗ lực không mệt mỏi của Thường trực, các Ban HĐND và cá nhân mỗi đại biểu HĐND, trong đó có những đóng góp lớn của các đại biểu là người dân tộc thiểu số.

Bài 1: Vì quyền lợi của dân mà hành động

Bài 2: Củng cố, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc

Bài 3: “Cầu nối” người dân với chính quyền

Bài 4: Để đại biểu người dân tộc thiểu số phát huy vai trò

Đại biểu Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh giám sát việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, hiệu quả hoạt động của HĐND phụ thuộc chủ yếu và được quyết định bởi chất lượng, hiệu quả hoạt động của đa số đại biểu HĐND, bao gồm đại biểu người dân tộc thiểu số. Các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực học tập, nghiên cứu, đổi mới phương pháp làm việc, không ngừng nâng cao chất lượng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao. Thông qua thực tế hoạt động, qua các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu đã thể hiện được bản lĩnh, tâm huyết của mình để có ý kiến chất vấn với các cơ quan liên quan hoặc kiến nghị cấp thẩm quyền làm rõ trách nhiệm, giải quyết những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

Đơn cử, trước thông tin về tình hình các hợp tác xã mắc ca gặp khó khăn, vướng mắc sau khi thành lập và đi vào thực hiện (cụ thể Hợp tác xã mắc ca bản Tát Hẹ, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng), tổ đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên ứng cử trên địa bàn huyện Mường Ảng do đại biểu Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu đã trực tiếp đi kiểm tra, giám sát thực tế. Qua giám sát cho thấy công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về hợp tác xã chưa đầy đủ, chưa giúp người dân hiểu rõ quyền lợi, lợi ích khi tham gia hợp tác xã. Công tác nắm bắt tình hình của các phòng, ban, chính quyền địa phương chưa kịp thời. Nhà đầu tư liên kết trồng mắc ca chưa chủ động phối hợp triển khai các thủ tục liên quan đến lập dự án đầu tư; chưa ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết với hợp tác xã… Đại biểu Giàng Thị Hoa và tổ đại biểu đã đề nghị UBND tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương làm việc với nhà đầu tư để kiểm tra, rà soát lại năng lực, quy mô đầu tư; đôn đốc các nhà đầu tư ký hợp đồng liên kết và thực hiện các cam kết với hợp tác xã. Đồng thời, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giống, công tác khuyến nông; chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách lồng ghép các nguồn lực để phát triển cây mắc ca. Về phía Cục Thuế tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hướng dẫn hợp tác xã trong đăng ký, quản lý, sử dụng mã số thuế, hóa đơn điện tử, thanh quyết toán thuế.

Theo thống kê, từ nhiệm kỳ 2004 - 2011 đến nay (hết tháng 3/2023), HĐND tỉnh đã tổ chức thành công 62 kỳ họp, xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của địa phương; ban hành trên 500 nghị quyết, trong đó 67 nghị quyết quy phạm pháp luật, 188 nghị quyết áp dụng pháp luật liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, quy hoạch phát triển giao thông, quy hoạch sử dụng đất, chế độ chính sách trong nông nghiệp, y tế, giáo dục... Các nghị quyết được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, sát với tình hình thực tiễn của tỉnh và có tính khả thi cao. Trong đó có những nghị quyết với sự tham gia đóng góp của đại biểu là người dân tộc thiểu số đã tác động lớn đến đời sống dân sinh và tình hình phát triển của địa phương, tạo sự đột phá về kinh tế - xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng cao 152 bản; chính sách trong phát triển nông, lâm nghiệp; thực hiện đề án tăng vụ trên đất ruộng một vụ; đề án sản xuất hàng hóa tập trung và nguồn hàng xuất khẩu trong nông - lâm nghiệp…

Các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện hiệu quả, nâng cao đời sống nhân dân. Trong ảnh: Đời sống người dân bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé ngày càng đổi mới.

Theo đại biểu Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên, việc thực thi các nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần khai thác tốt lợi thế, tiềm năng, huy động được các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc. Xây dựng, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng, chủ quyền biên giới quốc gia. Tỉnh Điện Biên đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều năm liên tục. Năm 2022 Điện Biên có GRDP đạt 10,19%; bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,58%; toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp thương mại, dịch vụ đều phát triển cả về quy mô và chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, phát triển, đặc biệt trong nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, du lịch… góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, làm thay đổi diện mạo tỉnh miền núi, biên giới.

Khó khăn hiện nay là số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số chuyên trách chiếm tỷ lệ ít so với tổng số đại biểu. Phần lớn đại biểu là kiêm nhiệm, nên thời gian dành cho hoạt động của hội đồng còn hạn chế. Hơn nữa một số đại biểu còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, do vậy khi thực hiện trách nhiệm đại biểu đôi lúc không tránh khỏi trường hợp “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Trong khi số đại biểu chuyên trách ít, áp lực công việc nhiều, nên thời gian dành cho nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ công việc còn hạn chế.

Cũng theo đại biểu Lò Văn Phương, Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên, để các đại biểu là người dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy khả năng, vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa thì công tác định hướng, tạo nguồn đại biểu người dân tộc thiểu số cho HĐND các nhiệm kỳ sau cần được đặc biệt quan tâm. Cần có cơ cấu, số lượng đại biểu là người dân tộc thiểu số ở các cấp một cách hợp lý. Thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng hoạt động cho đại biểu, tạo điều kiện giúp đại biểu vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn vừa làm tốt công tác đại biểu HĐND. Các chương trình bồi dưỡng, tập huấn phải linh hoạt, đa dạng, phù hợp với thực tế tình hình cơ sở theo hướng gần đối tượng, sát nhu cầu. Trong công tác nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cần giúp họ có kỹ năng, phương pháp giám sát thực tiễn đầy đủ hơn, đúng các nội dung cần đạt tới trong các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, bản thân các đại biểu phải không ngừng tự rèn luyện để nâng cao kỹ năng hoạt động bằng cách thường xuyên học tập, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu, thâm nhập thực tiễn. Các đại biểu phải tự hoàn thiện để phát huy tốt hơn vai trò của đại biểu Nhân dân, xứng đáng với niềm tin mà cử tri và Nhân dân các dân tộc đã tin tưởng, gửi gắm.

Bài, ảnh: Văn Tâm – Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top