Pú Nhung phát huy truyền thống cách mạng

10:13 - Thứ Hai, 01/05/2023 Lượt xem: 3349 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi về thăm xã Pú Nhung (huyện Tuần Giáo) - vùng quê cách mạng trong những ngày cuối tháng Tư, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đang thi đua lao động sản xuất kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) hướng tới kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2023). Những nương sắn, nương ngô xanh tốt, vườn xoài, vườn bưởi trĩu quả; đường bê tông vươn dài về các bản.

Người dân xã Pú Nhung tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây ăn quả có giá trị cao vào sản xuất.

Năm 1959, Chi bộ Pú Nhung được thành lập với 5 đảng viên do đồng chí Sùng Khua Lồng làm Bí thư. Chi bộ tiếp tục lãnh đạo, củng cố kiện toàn các tổ chức đoàn thể quần chúng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong từng thời kỳ cách mạng. Trải qua hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể xã Pú Nhung ngày càng lớn mạnh, đã lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng cuộc sống mới. Từ 5 đảng viên ban đầu, đến nay Đảng bộ xã Pú Nhung đã có 13 chi bộ với 190 đảng viên.

Bí thư Đảng ủy xã Pú Nhung, Vừ Sái Sùng đưa chúng tôi đi thăm các bản Phiêng Pi, Chua Lú, Đề Chia A, B để “mục sở thị” sự đổi thay mạnh mẽ ở Pú Nhung hôm nay. Cũng như các địa bàn khác trong tỉnh, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc sống người dân nơi đây bắt đầu bước sang trang mới. Từ một vùng quê nghèo khó với nhiều cái “không”: Không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế; số người dân biết tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và cấp ủy chính quyền các cấp cùng tinh thần đoàn kết, chăm chỉ của Nhân dân, Pú Nhung đã khoác lên mình “áo mới”. Hiện nay 8/8 bản có điện lưới quốc gia, đường bê tông nối đến trung tâm xã; Trạm Y tế xã khang trang phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân. Toàn xã có 3 trường học từ cấp mầm non đến tiểu học và trung học cơ sở; 100% học sinh trong độ tuổi được đến trường; tỷ lệ học sinh lên lớp, chuyển cấp hàng năm đạt trên 98%.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống cách mạng, ý chí vươn lên mãnh liệt, quyết tâm thoát nghèo, người dân xã Pú Nhung đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; cất công đi nhiều nơi tìm hiểu, học tập, đưa thêm nhiều loại giống cây công nghiệp, cây ăn quả về trồng. Theo thời gian đã hình thành nên nhiều sản vật địa phương như: Dứa Pú Nhung, mía “xương đen”... xã Pú Nhung đã phát triển được trên 10ha cây mắc ca; trên 60 cây ăn quả (xoài, bưởi da xanh...) Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng cho thu nhập từ 50 đến hơn 100 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ gia đình: Ly Khua Dơ (bản Chua Lú); Sùng Va Hồ (bản Khó Pua); Vàng Sái Lĩnh (bản Phiêng Pi); Ly A Sùng (bản Tênh Lá)... Đời sống người dân ngày càng nâng lên, hiện nay thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt trên 23 triệu đồng/năm; xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Những thành tựu đạt được từ những ngày đầu khi Chi bộ Pú Nhung được thành lập đến nay là rất to lớn, cho dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Có được kết quả đó trước hết là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm và trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó là lòng tự hào dân tộc, niềm tin sắt son theo Đảng của Nhân dân các dân tộc Pú Nhung luôn được phát huy mạnh mẽ trên mảnh đất lịch sử này. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Pú Nhung, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nỗ lực, thi đua lao động, học tập, xây dựng quê hương ngày một đổi mới, ấm no.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top