Không cần hết nhiệm kỳ, cán bộ tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

09:25 - Thứ Năm, 04/05/2023 Lượt xem: 3489 In bài viết

Người có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV.

Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, dự kiến trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5.

Theo dự thảo, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm) đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, gồm: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Các chức danh Quốc hội phê chuẩn gồm: Phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

HĐND lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng ban của HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch, các ủy viên UBND. HĐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ.

Việc lấy phiếu tín nhiệm bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Người có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" thì có thể xin từ chức, hoặc Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp gần nhất. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp" thì cơ quan có thẩm quyền trình Quốc hội, HĐND miễn nhiệm tại kỳ họp gần nhất.

Với trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm (thể hiện sự tín nhiệm hoặc không đối với người giữ chức vụ), Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Với HĐND, Thường trực HĐND bỏ phiếu đối với trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá "tín nhiệm thấp".

Theo dự thảo nghị quyết, người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá "không tín nhiệm" thì xin từ chức. Trường hợp không từ chức, cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó tại kỳ họp gần nhất.

Việc đánh giá mức độ tín nhiệm dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của cán bộ; thông qua việc chấp hành sự phân công của tổ chức, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; kết quả thực hiện quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, mức độ tín nhiệm còn được đánh giá dựa trên kết quả công tác của cơ quan trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; hiệu quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trực thuộc.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết.

Việc xây dựng Nghị quyết này nhằm thể chế hóa Quy định 96/2023 của Bộ Chính trị. Theo đó, người có trên 1/2 nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ các chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác; cho từ chức; hoặc sẽ bỏ phiếu tín nhiệm.

Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp sẽ bị miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm. Như vậy, kết quả lấy phiếu tín nhiệm được dùng để đánh giá cán bộ, chứ không phải chỉ để "tham khảo trong đánh giá" như trước đây.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top