Đổi thay trên mảnh đất lịch sử

06:55 - Thứ Sáu, 05/05/2023 Lượt xem: 3901 In bài viết

ĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân xâm lược; mở ra giai đoạn cách mạng mới: xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 69 năm qua Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu cũ (nay là 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu) đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng cuộc sống mới ở khu vực vùng cao biên giới xa xôi phía Tây Bắc Tổ quốc ngày càng tươi đẹp hơn.

Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: C.T.V

Sau giải phóng Điện Biên, cán bộ, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tích cực khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc xâm lược, vừa hăng say lao động đóng góp nguồn lực to lớn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã cụ thể hóa công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo phù hợp với thực tế địa phương để đạt nhiều kết quả quan trọng. Từ chỗ thiếu lương thực, phải chờ Trung ương trợ cấp, đến nay ngành Nông nghiệp Điện Biên đã phát triển toàn diện, ổn định. Nông dân có trình độ thâm canh cao, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây có năng suất cao. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã thành hàng hóa chất lượng cao được bày bán tại thị trường nhiều tỉnh, thành trong nước. Toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh và hàng chục chuỗi liên kết sản xuất được xác nhận. Những kết quả vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 16,93% trong cơ cấu kinh tế; đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, thủy sản, cây ăn quả theo hướng an toàn, gia tăng giá trị như: Trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao; sản xuất lúa gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị gia tăng; nuôi cá nước lạnh; nuôi lợn an toàn sinh học... Một số doanh nghiệp đã đầu tư phát triển cây công nghiệp như: Chè, cao su, cà phê, mắc ca… hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Tủa Chùa, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà, Mường Nhé, Tuần Giáo.

Mặc dù không có nhiều lợi thế, song ngành công nghiệp Điện Biên cũng đã có bước phát triển, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, thủy điện, năng lượng tái tạo… Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 3.173 tỷ đồng. Hiện nay ngoài 18 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, có 6 dự án thủy điện đang thi công xây dựng. Đặc biệt là 20 dự án năng lượng tái tạo gồm: 4 dự án điện sinh khối, 12 dự án điện gió, 3 dự án thủy điện tích năng, 1 dự án điện rác.

Điện Biên đã và đang từng bước phát huy lợi thế từ di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, cùng với khai thác các tiềm năng về danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hướng tới xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025.

Một góc trung tâm TP. Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: Xuân Tư

Là tỉnh vùng cao, biên giới, Điện Biên trải qua hàng chục năm khó khăn, vất vả về giao thông vận tải. Đến nay, các tuyến quốc lộ đến Điện Biên đã được mở rộng, thảm nhựa êm thuận; 115/115 xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm; 80 xã có đường xã được nhựa hoặc bê tông hóa, 68 xã có đường thôn, bản được cứng hóa. Hệ thống giao thông từng bước được đầu tư kết nối, liên hoàn với các tỉnh, thành phố... đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, đi lại của người dân, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, hiện nay tỉnh Điện Biên đang phối hợp chặt chẽ với ACV đẩy nhanh tiến độ Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên. Cùng với đó dự án đường cao tốc Sơn La - Điện Biên đang được nghiên cứu, khảo sát đầu tư xây dựng. Những dự án trọng điểm này sẽ mở ra những cơ hội phát triển mới, mạnh mẽ hơn cho Điện Biên.

Sau giải phóng Điện Biên, hơn 90% dân số các dân tộc trên địa bàn mù chữ, đời sống lạc hậu. Với sự quan tâm, nỗ lực của các cấp, ngành giáo dục, tâm huyết của các thế hệ giáo viên diệt giặc dốt, xóa hủ tục đã từng bước xây dựng, phát triển giáo dục Điện Biên cả về bề rộng lẫn chiều sâu. Đến nay với hơn 480 trường học và trung tâm, mạng lưới điểm trường, lớp học đã phủ kín khắp các địa bàn vùng cao, biên giới. Cùng với giáo dục, lĩnh vực y tế của tỉnh Điện Biên cũng có bước phát triển vượt bậc với hơn 91% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 30,58%; GRDP đầu người đạt 39,68 triệu đồng/năm; toàn tỉnh có 1 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 52 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến Điện Biên hôm nay, với diện mạo trẻ trung, nhiều tiềm lực sẽ làm nhiều du khách bất ngờ. Khu trung tâm hành chính tỉnh mới; các dự án đường động lực kết nối vùng kinh tế, đường trục trung tâm, đường đô thị; các dự án trung tâm thương mại và nhà ở, nghỉ dưỡng, khách sạn, dịch vụ giải trí... được đầu tư xây dựng đã khoác tấm áo mới khang trang hiện đại. Hiện nay tỉnh Điện Biên đang tập trung hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng tổ chức không gian phát triển 3 vùng phát triển kinh tế, 4 cực tăng trưởng và 4 hành lang phát triển. Những ngành, lĩnh vực quan trọng gồm: Nông - lâm nghiệp là nền tảng, xây dựng là động lực và du lịch là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để phát triển tỉnh Điện Biên ngày càng giàu đẹp.

Hà Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top