Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng năm 2023

Những “bông hồng đỏ” vùng dân tộc thiểu số

15:24 - Thứ Hai, 22/05/2023 Lượt xem: 5612 In bài viết

ĐBP - Đảng viên nữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là những “bông hồng đỏ”, không chỉ xây dựng tổ chức đảng mà còn góp sức quan trọng trong các hoạt động, phong trào thi đua tại cơ sở, lan tỏa, thúc đẩy phụ nữ vùng cao ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên, phát triển đảng viên nữ ở tỉnh miền núi như Điện Biên vốn đã nhiều khó khăn; gây dựng đảng viên nữ đồng bào DTTS lại càng không ít trở ngại, cần sự quan tâm và những giải pháp hữu hiệu.

Bài 1:  Những nữ đảng viên đi đầu

Vượt qua định kiến về giới, cùng vô vàn khó khăn đặc thù của miền núi, nhiều chị em đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ta vinh dự được kết nạp Đảng. Các chị đã và đang phát huy rất tốt vai trò của mình tại cơ sở. Không ít đảng viên nữ người DTTS còn trở thành đầu tàu, “nữ tướng” ở vùng cao, biên giới. Bản thân họ chính là những tấm gương sáng cho phụ nữ các dân tộc học tập, phấn đấu, vươn lên.

Chị Giàng Thị Pày - Bí thư Chi bộ bản Nậm Pan 2, xã Mường Toong (bên trái) là đảng viên gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của bản, là tấm gương vượt khó vươn lên cho người dân noi theo.

Nữ bí thư đầu tiên nơi cực Tây

Những năm 1990, Sín Thầu - cực Tây Tổ quốc, là nơi xa xôi, khó khăn bậc nhất cả nước. Khi ấy, cũng như bao nữ giới dân tộc Hà Nhì ở đây, Pờ Mỳ Lế lên 10 tuổi vẫn chưa biết chữ, chị tính 15 - 16 tuổi thì lấy chồng. Cuộc đời chị thay đổi khi cầm trong tay 1 tờ báo, nhưng xoay ngược xuôi không biết chiều nào đúng, từ đó chị cương quyết xin bố mẹ cho đi học. Nhờ quyết tâm khi ấy mà giờ đây xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé có nữ Bí thư Đảng ủy giỏi giang, nhiệt huyết.

Hành trình từ cô bé 10 tuổi mới vào lớp 1 đến nữ Bí thư Đảng ủy xã đầu tiên nơi biên giới cực Tây của chị Pờ Mỳ Lế trải qua vô vàn khó khăn. Chị Lế trải lòng: “Ngày ấy, cả bản, cả xã còn tư tưởng là con gái đi học làm gì. Ở nhà lấy chồng, sinh con, lo cho gia đình. Bố mẹ khi chiều theo ý tôi thì đã phải nghe hàng xóm dị nghị, gièm pha rất nhiều”. Vượt qua những định kiến, năm 1993, chị Lế và 3 chị em khác cùng dòng họ Pờ lên đường đi tìm con chữ, hành trang mang theo duy nhất 1 bộ quần áo. Họ cũng là 4 nữ giới đầu tiên của mảnh đất cực Tây được đến trường. Để ra đến trung tâm huyện lỵ Mường Tè ngày ấy nhập học, 4 chị đi bộ vượt rừng, vượt suối suốt 5 ngày.

Cứ thế bền bỉ nhiều năm, có khi gián đoạn việc học do gia đình khó khăn, cô gái Hà Nhì Pờ Mỳ Lế cũng đã hoàn thành học chuyên nghiệp, ra trường được giao các trọng trách khác nhau ở địa phương. Đến năm 2006, chị Pờ Mỳ Lế vinh dự được kết nạp Đảng. Với sự nỗ lực, cống hiến của mình, chị được tin tưởng bầu giữ Chủ tịch HĐND xã Sín Thầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã nhiệm kỳ 2015 - 2020. Từ năm 2020 đến nay là Bí thư Đảng ủy xã.

“Mặc dù ghi nhận sự đóng góp, năng lực của tôi, nhưng để phụ nữ trở thành lãnh đạo khi ấy, nhiều người không vui bởi vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vì thế, ban đầu tôi nhận nhiệm vụ áp lực bội phần, tự nhủ phải quyết tâm thành công để chứng minh rằng phụ nữ Hà Nhì có thể gánh vác được việc lớn” - chị Lế chia sẻ thêm.

Mục tiêu mà nữ Bí thư đặt ra cho nhiệm kỳ của mình là giúp người dân thoát nghèo và đưa các chủ trương của Đảng vào thực tiễn. Để làm được, điều đầu tiên chị Lế xác định là phải thay đổi nhận thức của bà con. Từ việc xắn quần lội ruộng, cuốc đất… đến chỉ đạo trên các “diễn đàn”, hội họp ở địa phương, chị luôn gương mẫu đi đầu và thể hiện rõ bản lĩnh người đứng đầu, dám làm dám chịu trách nhiệm.

Bí thư Pờ Mỳ Lế đã cùng Đảng ủy xã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân trong xã làm nên nhiều khởi sắc cho vùng biên. Đến nay Sín Thầu còn 20,83% hộ nghèo - tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất huyện và thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh. Không chỉ vậy còn nổi tiếng với “4 không”: Không có người nghiện ma túy, không phá rừng, không di dịch cư tự do, không truyền đạo trái pháp luật. Sín Thầu cũng không còn tình trạng trọng nam, khinh nữ, trẻ em gái được đến trường bình đẳng, học cao với nhiều ngành nghề khác nhau. Riêng Ban Chấp hành Đảng bộ xã có tới 4 ủy viên là nữ giới dân tộc Hà Nhì.

Người phụ nữ Mông đầu tàu ở bản đa dân tộc

Bản Nậm Pan 2, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé có 4 dân tộc cùng sinh sống: Mông, Hoa, Dao, Kinh với trên 180 hộ dân, hơn 1.000 nhân khẩu. Trong đó đa phần là đồng bào dân tộc Mông, trình độ dân trí hạn chế, một số phong tục, tập quán còn lạc hậu… Đã vậy, do đặc thù vùng cao, bản chia làm 3 khu dân cư, nhiều nơi không sóng điện thoại. Bởi vậy, năm 2020, khi chị Giàng Thị Pày, người dân tộc Mông, được bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ bản khi vừa tròn 30 tuổi, nhiều người không khỏi ái ngại. Chị Pày kể lại: “Có người bảo tôi là, đàn ông có khi còn chẳng làm được, đàn bà gánh sao nổi, mình lại không học hành cao, chẳng có bằng cấp gì”.

Để thay đổi suy nghĩ ấy, chị Pày xông xáo, gương mẫu, tiên phong trong mọi lĩnh vực. Năm 2021, Nậm Pan 2 được lựa chọn làm điểm mô hình phòng chống tảo hôn. Chị Pày đi từng hộ tuyên truyền, vận động, kịp thời ngăn chặn gần 10 cặp có ý định tảo hôn, đưa các em trở lại trường. Khi bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhiều bà con trong bản không đồng thuận, lan truyền thông tin tiêu cực. Bí thư Pày vừa giảng giải cho người dân, vừa chủ động tiêm đầu tiên. Nhờ vậy chỉ sau 2 tuần, tất cả người trong danh sách đều nhất trí tiêm phòng.

Chị Pày còn là tấm gương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Gia đình chị vừa kinh doanh cửa hàng tạp hóa, máy xay xát phục vụ nhu cầu bà con, vừa chăn nuôi trâu, bò, trồng ngô, sắn. Số tiền kiếm được, cùng với trang trải sinh hoạt, vợ chồng chị đầu tư cho sự học của gia đình. Ngoài các con, anh chị nuôi 2 người em, 1 cháu học chuyên nghiệp, học nghề, để dân bản noi theo, cho con em học đến nơi đến chốn.

Ông Giàng A Khua, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Toong nhận xét: “Mặc dù là nữ, địa bàn phức tạp, song đồng chí Pày thực hiện các nhiệm vụ được giao không thua kém nam giới. Đồng chí luôn gương mẫu, vừa mềm mỏng, vừa quyết đoán, để hiện thực hóa các nghị quyết, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống”.

Đảng viên nữ đầu tiên ở bản người Khơ Mú   

Năm 2016, chị Lò Thị Lún (sinh năm 1991), bản Tin Tốc, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên trở thành đảng viên nữ người Khơ Mú đầu tiên của xã, sau nhiều năm hoạt động đoàn thanh niên. Đến năm 2020, chị Lún được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ bản - trở thành nữ “thủ lĩnh” thôn bản đầu tiên của xã vùng cao này. Chúng tôi tìm đến nhà, chị Lún vừa đi khai thác mủ cao su về. Quệt mồ hôi đang chảy trên trán, chị Lún chia sẻ: “Thẳng thắn mà nói, trước đây bà con trong bản chưa thực sự chăm chỉ, tỷ lệ hộ nghèo quá cao. Bản thân tôi vừa làm nhận khoán với công ty cao su để tăng thu nhập, vừa lấy minh chứng vận động các hộ khác cùng tham gia để vươn lên thoát nghèo”.

Quả thực chỉ cách đây 5 - 6 năm, dù sinh sống dọc quốc lộ nhưng Tin Tốc là bản nghèo nhất xã với 59/69 hộ khó khăn, thiếu đói. Đến nay cả bản đã có hơn 30/73 hộ tham gia làm công nhân cho công ty cao su, nhiều người dân đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định. Trước đây không mặn mà với các chương trình, dự án, giờ nhận thức người dân cũng đã thay đổi, chủ động và tích cực hơn. Năm 2021, với vai trò Bí thư Chi bộ, chị Lún cùng ban lãnh đạo bản vận động thành công người dân hiến đất, bỏ tiền, công sức làm đường nội bản 140m. Đoạn đường này, trước đã có dự án làm đường nông thôn mới nhưng không triển khai được do người dân không đồng thuận hiến đất. Tiếp tục sau đó, bà con nhất trí trích quỹ bản, tự tay tu sửa, đổ bê tông sân và làm tường bao nhà văn hóa bản. Có các công trình công cộng khang trang, cùng nhiều ngôi nhà mới vững chãi, diện mạo bản nghèo Tin Tốc ngày càng đổi thay.

Anh Lò Văn Chựa, Trưởng bản Tin Tốc nhận xét: “Là đảng viên nữ đầu tiên, Bí thư Chi bộ trẻ, nhưng đồng chí Lò Thị Lún không ngần ngại, e dè mà thực hiện rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng Chi bộ và bản làng”.

Không chỉ 3 “bông hồng đỏ” trên, dù bị đồi cao, núi hiểm chắn lối, cùng những định kiến về giới cản trở, nhiều phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng nỗ lực, vươn lên để khẳng định năng lực, lý tưởng của mình. Từ đó, các chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, còn được tín nhiệm giao trọng trách “đứng mũi chịu sào” ở cơ sở. Thành công của họ đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ vùng cao, lan tỏa ý chí phấn đấu, vượt mọi rào cản để đi lên cho chị em. Từ đó, ươm mầm thêm nhiều “hạt giống đỏ” trong phụ nữ các dân tộc.

Bài 2: Ươm “hạt giống đỏ”

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top