Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - dấu ấn kiến trúc Đông Dương

11:58 - Thứ Hai, 08/11/2021 Lượt xem: 5830 In bài viết

Không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt mỹ, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn là trung tâm lưu trữ hiện vật lịch sử hàng đầu của cả nước, là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Dấu ấn kiến trúc Đông Dương

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có địa chỉ tại số 1 phố Tràng Tiền (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tiền thân của công trình là Bảo tàng Louis Finot. Đây là một dự án trong hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ (École Française d'Extrême-Orient) - một trung tâm nghiên cứu của Pháp về Đông phương học ở Đông Dương, được thành lập năm 1900 ở Sài Gòn, tới 1902 chuyển ra Hà Nội. Công trình do người Pháp xây dựng từ năm 1926 - 1932, mang tên vị giám đốc đầu tiên là Louis Finot (1864 - 1935). Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được thành lập ngày 3-9-1958 trên cơ sở kế thừa Bảo tàng Louis Finot. Đây là công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Đông Dương ở Hà Nội.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam nằm phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội, mở ra 3 mặt phố và là điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị. Công trình có quy mô 3 tầng, với tầng trệt là nhà kho, phòng chuyên môn, hành chính, có vai trò cách ẩm cho hai tầng trên là những không gian trưng bày. Điểm nhấn của công trình là khối sảnh hình bát giác vươn cao với ba tầng mái ngói. Khối bát giác này có kích thước mỗi cạnh 11m và có đường dẫn vào mái sảnh. Giữa các tầng mái là hệ thống cửa lấy sáng và thông gió; các tầng mái đua ra, được nâng đỡ bằng hệ thống dầm đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống. Về tổng thể, khối sảnh với hệ thống mái có nét giống gác chuông chùa Keo (Thái Bình) - một kiệt tác của kiến trúc truyền thống Việt Nam.

Không gian trưng bày chính nằm sau đại sảnh, được tổ chức theo hình thức xuyên phòng có sự chuyển tiếp khéo léo. Ngoài ra, còn có các không gian trưng bày chuyên đề nằm ở hai phía của đại sảnh tạo thành một tổng thể hấp dẫn, có sự kết nối không gian uyển chuyển. Ở khối nhà dài, kiến trúc được tạo hình ấn tượng với 2 tầng mái ngói trên cùng, những tầng mái phụ giữa tầng tạo nên kiểu kiến trúc chồng diêm truyền thống. Khe hở giữa hai lớp mái đóng vai trò đón và thoát gió. Lớp mái phía dưới đua rộng ra khỏi hệ thống tường ngoài, có tác dụng che nắng, chống mưa hắt, đồng thời tăng vẻ duyên dáng cho tòa nhà. Phần mái đua được đỡ bởi hàng cột kép kết hợp với hệ con sơn cách điệu cùng các họa tiết trên lan can, tường, bờ chảy mái, tạo dáng vẻ Á Đông độc đáo. Hệ thống chiếu sáng được khai thác tối ưu qua hệ cửa kính ở cạnh dài hai bên khối trưng bày.

“Tiếng nói lịch sử” ngàn năm

Ngày 26-9-2011, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (phố Tông Đản) được sáp nhập thành Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đứng đầu hệ thống các bảo tàng lịch sử - xã hội của cả nước và là bảo tàng lưu trữ nhiều hiện vật lịch sử nhất với gần 110.000 tài liệu, hiện vật là di vật, cổ vật có niên đại từ thời tiền sử đến năm 1945. Trong đó có nhiều bộ sưu tập cực kỳ quý hiếm so với các bảo tàng cùng loại hình trong nước và khu vực như sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa khảo cổ từ sơ kỳ thời đại đồ đá cũ đến thời đại đồng thau và sắt sớm, văn hóa Đông Sơn, gốm men cổ Việt Nam, điêu khắc đá Chăm Pa...

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng là nơi lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia nhất với 20 bảo vật, trong đó, nhiều hiện vật có niên đại hàng ngàn năm. Có thể kể tới những hiện vật tiêu biểu như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng Đào Thịnh, mộ thuyền Việt Khê, chuông chùa Vân Bản... Những hiện vật này là “tiếng nói lịch sử”, minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc, một đất nước có chiều sâu văn hóa; là nét tinh hoa và niềm tự hào của người Việt.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút khách tham quan, bảo tàng đã tổ chức trưng bày triển lãm bằng hình thức trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ số. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, cho biết: “Nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng ngày càng cao. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước thay đổi, ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày, làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý hiếm đang lưu giữ tại bảo tàng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tham quan, trải nghiệm của du khách, việc thay đổi góp phần đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách tham quan”.

P.V (theo HNM)
Bình luận
Back To Top