Giữ sắc đào nơi rẻo cao

08:35 - Thứ Ba, 17/01/2023 Lượt xem: 9864 In bài viết

ĐBP - Mỗi độ xuân về, khi hơi ấm dần xua đi cái lạnh giá của mùa đông cũng là lúc trên các triền đồi, lưng núi - nơi định cư của những bản người Mông tại huyện Tủa Chùa tràn ngập sắc hồng của hoa đào. Với vẻ đẹp đặc trưng, cây hoa đào đang được huyện Tủa Chùa gìn giữ và phát triển thành một trong những “thương hiệu” du lịch địa phương.

Hoa đào bung nở trong sân nhà dân tại xã Sính Phình. Ảnh: Trương Công Thành

Sắc đào nơi rẻo cao

Tủa Chùa có vẻ đẹp hút hồn của cao nguyên với những lớp đá tai mèo, những thửa ruộng bậc thang xanh mướt hay óng sắc vàng của mùa lúa chín. Vào thời điểm từ cuối tháng 12 đến hết tháng 1 dương lịch, đến với Tủa Chùa du khách sẽ được chiêm ngưỡng sắc hoa đào nở rộ trên núi đồi, ngoài vườn hay cả bên hiên nhà người dân. Những cánh hoa đào lung linh khoe sắc dưới nắng xuân tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, làm say đắm lòng người.

Hoa đào Tủa Chùa có nét đẹp riêng, cánh hoa dày và bung nở to; khi nở rộ, sắc hoa như rực sáng một góc trời. Ông Hạng A Sử, thôn Tả Phìn (xã Tả Phìn) cho biết: Người Mông sau một năm lao động vất vả, khi mùa vàng thu hoạch xong, ngắm hoa đào nở thắm núi rừng, lung linh trong nắng gió cũng là lúc những chàng trai cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới cùng nhau luyện tập điệu khèn, chuẩn bị chơi Tết, du xuân.

Hoa đào Tủa Chùa không chỉ mang vẻ đẹp đặc trưng của Tây Bắc mà còn là những “di sản” sống của vùng đất mang tiềm năng du lịch này. Tuy nhiên, những năm gần đây, trào lưu chơi cành, cây đào rừng của người dân miền xuôi ngày càng tăng. Yêu thích những cành đào tự nhiên, cây đào cổ gốc xù xì, thân rêu phong, người dân tìm mọi cách để mua. Đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều người sẵn sàng chặt đào rừng bán cho khách miền xuôi chơi Tết. Khi đào được giá thậm chí sẵn sàng chặt bán cả cây, đào cả gốc đem bán.

Trước thực trạng trên cùng với việc xác định trồng và phát triển cây hoa đào là phù hợp với tiềm năng lợi thế của địa phương trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch trên địa bàn; huyện Tủa Chùa đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát triển cây đào địa phương.

Chung tay trồng đào

Ông Vùi Văn Nguyện, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa cho biết: Gìn giữ cây đào cũng là để giữ vẹn nguyên sắc màu Tây Bắc nói chung và Tủa Chùa nói riêng. Nhiều giải pháp đã được huyện triển khai, như đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của cây đào đối với cảnh quan, môi trường. Triển khai kế hoạch bảo tồn, bảo vệ đào rừng lâu năm, huy động xã hội hóa đẩy mạnh trồng mới nhân lên số lượng cây đào trên địa bàn. Đồng thời, phân loại đào cổ thụ và những diện tích đào trồng mới để vừa bảo tồn phục vụ du lịch, vừa phục vụ kinh doanh vào dịp Tết.

Triển khai thực hiện, UBND các xã, thị trấn huyện Tủa Chùa tăng cường tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cây đào hiện có tại gia đình, trên nương, gần các khu vực danh lam thắng cảnh. Đối với trồng đào mới, khuyến khích thực hiện xã hội hóa trồng cây hoa đào trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, trục chính thôn bản, vườn, sân nhà, trồng xen với cây trồng trên nương. Nhiều phong trào thi đua được các cấp hội, đoàn thể tổ chức, như con đường hoa đào, vườn hoa đào đẹp… Tại các đơn vị trường học, khuyến khích xây dựng một công trình trồng cây hoa đào, vườn ươm giống nhằm tạo điều kiện cho học sinh được trải nghiệm thực tế với việc tham gia bảo vệ môi trường sống và phát huy các ý tưởng sáng tạo. Cùng với đó, tiếp tục thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để trồng cây hoa đào.

Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay 12/12 xã, thị trấn của Tủa Chùa đã phổ biến chủ trương xã hội hóa trồng cây đào đến toàn thể nhân dân. Các cơ quan đơn vị, trường học đã phát động rộng rãi phong trào trồng cây đào đến cán bộ, công chức, viên chức, học sinh. Trong năm 2022, có 25 cơ quan, đơn vị huy động xã hội hóa trồng được 1.124 cây hoa đào trên các tuyến đường, trong khuôn viên cơ quan. Tại xã Sính Phình, xã Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa đã trồng đào tập trung theo tuyến đường, địa điểm du lịch. Xã Tả Phìn và Xá Nhè đã có hàng nghìn cây đào được trồng mới và đang phát triển tốt.

Xây dựng thương hiệu du lịch

Cùng với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, triển khai còn có sự ủng hộ, chung tay thực hiện của chính người dân trên địa bàn để hiện thực hóa mục tiêu đưa cây đào trở thành thương hiệu du lịch địa phương. Năm 2022, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, khoảng 7,7ha cây đào đã được huyện Tủa Chùa trồng tập trung tại xã Tả Phìn và xã Xá Nhè. Đây được coi là điểm nhấn, vừa phát triển kinh tế cho người dân, vừa phát triển du lịch địa phương.

Ông Mùa A Páo, thôn Pàng Dề B (xã Xá Nhè) là 1 trong 8 hộ dân tham gia dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển cây đào địa phương. Sau khi được chính quyền xã tuyên truyền, vận động tham gia dự án, gia đình ông Páo quyết định chuyển 5.500m2 đất đang trồng ngô sang trồng cây đào. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng khuyến nông xã, gia đình ông Páo cùng 7 hộ dân khác bắt tay vào dọn dẹp, đào hố và nhận giống cây đào về trồng. Sau 6 tháng, cây đào đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Ông Mùa A Páo cho biết: Gia đình tôi rất hi vọng vào sự thành công của dự án và tin tưởng rằng trong 2 - 3 năm tới, khi cây đào phát triển tốt sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm và mang đến lợi nhuận kinh tế cho người dân. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trồng xen kẽ cây đào vào diện tích nương ngô của gia đình.

Còn tại cao nguyên đá Tả Phìn, 5,5ha đào được trồng theo hình thức tập trung nhằm phát triển du lịch, tạo thành điểm check-in đặc sắc cho du khách thập phương. Từ nguồn ngân sách Nhà nước, người dân được hỗ trợ cây trồng, phân bón cũng như sự hướng dẫn trực tiếp của cán bộ chuyên môn về kỹ thuật trồng, bón phân, chăm sóc. Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đào đối với cảnh quan, môi trường và hướng phát triển du lịch trong tương lai, 18 hộ dân xã Tả Phìn đã hăng hái tham gia trồng và chăm sóc đào, thực hiện làm rào chắn bảo vệ diện tích trồng đào mới.

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của huyện rất phù hợp cho cây đào sinh trưởng, phát triển tốt. Hi vọng các dự án trồng và phát triển cây đào đang được triển khai sẽ giúp phát huy tiềm năng, lợi thế của du lịch địa phương. Từ đó, xây dựng và phát triển thương hiệu cho cây đào địa phương trong tương lai, góp phần thúc đẩy du lịch Tủa Chùa ngày càng vươn xa.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top