Cồn Dã Viên

10:11 - Thứ Sáu, 03/02/2023 Lượt xem: 7625 In bài viết

Cồn Dã Viên là một đảo nhỏ nằm trên sông Hương, phía trước kinh thành Huế. Khi xây dựng kinh thành Phú Xuân vào đầu thế kỷ XIX, vua Gia Long đã chọn cồn Dã Viên là yếu tố “Bạch Hổ” (cùng với cồn Hến là yếu tố “Thanh Long”, nằm bên trái) theo thuật phong thủy.

Cồn Dã Viên có hình thoi dài, được hình thành từ sự bồi lắng phù sa của sông Hương. Cồn có chiều dài 890m, rộng 185m, diện tích khoảng 108.000m2. Không rõ cồn Dã Viên xuất hiện từ bao giờ, song sử sách đã đề cập tới cồn Dã Viên từ thời chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 - 1765) từng tổ chức một trận đấu giữa voi và cọp tại đây vào năm 1750.

Tuy nhiên, cái tên cồn Dã Viên chính thức có từ đời vua Tự Đức, người đã sớm nhận ra vẻ đẹp quyến rũ của hòn đảo nhỏ và cho xây dựng một khu vườn ngự trên đó. Nhà vua đặt tên cho khu vườn này là “Dữ Dã viên” (vườn Dữ Dã). Chữ “Dữ Dã” được rút gọn từ bốn chữ “Ngô dữ Điểm dã” lấy từ điển tích về đức Khổng Tử và các học trò được chép trong sách Luận ngữ mà vua rất tâm đắc. Tên vua đặt là “Dữ Dã viên”, nhưng người dân Huế lại gọi rút gọn thành “Dã Viên”, và cuối cùng “Dã Viên” thành tên chính thức gắn với những địa danh, công trình ở đây như cồn Dã Viên, cầu Dã Viên, nhà máy nước Dã Viên.

Sau khi khu vườn ngự xây xong, vào khoảng đầu thập niên 1870, vua Tự Đức đã viết bài “Dữ Dã viên ký” dài 1.413 chữ, trong đó mô tả diện mạo Dữ Dã viên hoa lệ với lầu ngắm cảnh, đường dạo, bến thuyền, bãi tắm, trường bắn và luyện tập võ nghệ..., trong một không gian xanh với nhiều loài cây, hoa quý hiếm...

Sau cái chết của vua Tự Đức vào năm 1883, triều đình nhà Nguyễn rơi vào cảnh sa sút nên không thể coi sóc khu vườn. Dữ Dã viên dần trở nên hoang phế. Trong trận bão năm 1904, khu vườn ngự đã bị phá hủy nặng. Sau này, người dân ở phường Đúc lên canh tác và định cư trên cồn. Năm 1908, tuyến đường sắt Huế - Quảng Trị được thiết lập và hai cây cầu Bạch Hổ - Dã Viên được xây dựng bắc qua cồn. Đây là hai cây cầu độc lập của tuyến đường sắt, nhưng do quan niệm cồn Dã Viên là “Bạch Hổ” của kinh thành, nên người dân Huế vẫn gọi chung tuyến giao thông qua sông Hương ở vị trí này là cầu Bạch Hổ, lối Bạch Hổ. Năm 1957, tháp nước và nhà máy nước Dã Viên được xây dựng. Sự thay đổi lớn lao ấy đã xóa nhòa hình ảnh về một khu vườn ngự trong quá khứ... Hiện nay, cồn Dã Viên được chính quyền thành phố Huế đầu tư xây dựng thành một công viên văn hóa - sinh thái.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top