Liên kết phát triển du lịch nông nghiệp

07:43 - Thứ Năm, 16/02/2023 Lượt xem: 9114 In bài viết

ĐBP - Gắn kết du lịch với các sản phẩm nông nghiệp đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường. Ở Điện Biên loại hình du lịch này mới bước đầu được đưa vào khai thác và mang lại những kết quả nhất định. Thế nhưng để hướng tới làm du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp lại là một câu chuyện dài...

Vườn mận Phiêng Ban, xã Nà Tấu (TP. Điện Biên Phủ) nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Nguyên

Dịp sau tết nguyên đán, vườn mận tại bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ bung nở trắng trời, đẹp không thua kém các điểm du lịch nổi tiếng ở khu vực Tây Bắc. Cách trung tâm thành phố chưa tới 30km, không quá gần nhưng cũng chẳng quá xa, rất thích hợp cho cả gia đình cùng đi du ngoạn dịp đầu xuân và lưu lại những bức hình đẹp. Bởi vậy, trong những ngày đầu tháng 2 này, bản Phiêng Ban tấp nập người ra, người vào, chụp ảnh check-in. Nhiều hộ dân Phiêng Ban có vườn mận đẹp lại thêm một nguồn thu không nhỏ từ du khách... Thế nhưng, cách làm du lịch nông nghiệp ở Phiêng Ban vẫn còn nhiều bất cập. Đầu tiên là từ công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu. Tới tận cuối tháng 1, đầu tháng 2, khi vườn mận bắt đầu bung nở, hầu như chưa có bất cứ thông tin, hình ảnh nào về địa điểm này được chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng hay mạng xã hội. Hoặc có đưa nhưng chưa rộng rãi, chưa tiếp cận được với nhiều người... Vườn mận Phiêng Ban thực sự trở nên “hot” là khi có một vài nhóm bạn yêu thích chụp ảnh rủ nhau tới du xuân và đăng lên mạng xã hội những bức ảnh đẹp. Rồi mọi người truyền tai nhau mới biết và tìm tới địa điểm này. Thế nên, dù có sản phẩm tốt đến đâu nhưng công tác tuyên truyền, quảng bá chưa tốt, không ai biết tới, chưa tạo mối liên kết với các công ty du lịch thì cũng chỉ dừng lại ở mức “tiềm năng” mà thôi.   

Khi đã có khách tới tham quan thì việc quản lý và khai thác lại nảy sinh nhiều bất cập. Bởi vườn mận nơi đây không chỉ có một chủ mà do nhiều hộ gia đình quản lý, du khách muốn vào check-in ở vườn nào đều phải đóng tiền vé cho chủ vườn đó. Thế nên, mới xảy ra việc “dở khóc, dở cười” chỉ ở trong một khu vực nhưng có tới vài người đứng thu tiền vé. Đang đứng bên này, chỉ cần bước chân sang bên bờ rào bên kia là lát sau lại có người tới thu tiền. Mức thu chỉ từ 20 - 25 nghìn đồng/người, miễn phí cho trẻ em không phải là lớn, nhưng du khách cảm thấy không thoải mái khi phải đóng tiền tới 2 - 3 lần trong cùng buổi sáng với cùng một dịch vụ tham quan. Từng đi du lịch ở nhiều nơi, bạn Đào Hà, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Phiêng Ban hoàn toàn có lợi thế về phát triển du lịch. Thế nhưng như bây giờ thì mạnh ai người đó làm, ai có người đó hưởng lợi. Giá như mọi người cùng chung tay vào làm du lịch thì sẽ tốt hơn... Nếu cứ như thế này, có thể chỉ được 1 - 2 năm thôi là sẽ chẳng còn ai muốn quay lại...”. 

Khó trách người dân Phiêng Ban khi đây là năm đầu tiên du khách đến với họ đông như vậy. Cách thức quản lý như thế nào, khai thác ra sao cũng đang là một bài toán với họ. Có lẽ sau mùa đầu tiên này, họ sẽ có những điều chỉnh cho phù hợp, hướng tới phát triển du lịch bền vững hơn... Thiết nghĩ, sau mùa hoa mận, tới chính vụ thu hoạch quả, nếu có định hướng và làm tốt công tác tuyên truyền quảng bá, quản lý và khai thác tốt, Phiêng Ban hoàn toàn có thể đón du khách tới trải nghiệm, tham quan và bán sản phẩm ngay tại vườn. Nhìn rộng hơn, Phiêng Ban không chỉ có lợi thế về vườn hoa mận, nơi đây còn có nhiều vườn dâu tây sai trĩu quả. Nếu biết cách khai thác sẽ mở rộng thêm sản phẩm du lịch cho người dân nơi đây...

Không chỉ mùa hoa mận Phiêng Ban năm nay, nhiều sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp cũng được các cá nhân, doanh nghiệp đưa vào khai thác từ nhiều năm nay. Như ngắm hoa anh đào; tham quan những trang trại hoa; tham quan vườn dâu tây và mua tại vườn... Thế nhưng điểm chung của các sản phẩm này là chưa có sự liên kết với các công ty du lịch, doanh nghiệp lữ hành để đưa khách tới thường xuyên và ổn định. Hầu hết du khách, thậm chí là các công ty, doanh nghiệp tự biết tới các địa điểm này qua mạng xã hội và tự tới tham quan, trải nghiệm. Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Du lịch Phan Thành Tây Bắc hay Du lịch Điện Biên là cái tên mới nổi trên bản đồ du lịch Điện Biên cuối năm 2021, đầu năm 2022. Phan Thành, Giám đốc Công ty cũng là người đam mê và dành nhiều tâm huyết cho du lịch, nhất là với quê hương Điện Biên. Chia sẻ về lĩnh vực du lịch nông nghiệp, Phan Thành nói: “Mới bước những bước đi đầu tiên trên con đường làm du lịch này thì mình phải là người chủ động tìm tới các điểm, các trang trại để mở rộng sản phẩm của mình. Cũng có đơn vị phối hợp tốt, có sự liên kết ổn định như vườn dâu tây trong Mường Phăng. Mình thuận lợi hơn khi có thể liên hệ trước xem dâu còn nhiều quả không, thời gian mở cửa thế nào... để đưa khách tới. Chủ vườn được lợi là thêm khách tới tham quan, bán được thêm nông sản... Thế nhưng cũng còn nhiều nơi mới đầu chưa thực sự “thân thiện”, thậm chí còn tuyên bố không cần đưa khách tới. Phải đến vài lần thấy đưa khách đến nhiều mới thay đổi thái độ theo chiều hướng tích cực hơn...”.

Để du lịch nông nghiệp Điện Biên có thể phát triển thì còn không ít việc phải làm. Người nông dân Điện Biên chân chất, chưa có nhiều kiến thức về làm du lịch, chỉ làm theo sự hiểu biết và tấm lòng nhiệt tình. Thiết nghĩ, muốn hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp, ngoài việc đầu tư cho chất lượng và sự an toàn của nông sản, cũng cần có sự liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các công ty lữ hành tạo thị trường khách đến thường xuyên và bền vững. Đồng thời, nâng cao kỹ năng làm du lịch, có giải pháp giữ chân du khách để thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp địa phương lớn mạnh và chất lượng hơn...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top