Độc đáo cung đường sắt Hải Vân

14:39 - Thứ Hai, 27/02/2023 Lượt xem: 6337 In bài viết

Hải Vân là con đèo trên dãy núi Bạch Mã thuộc dãy Trường Sơn ở miền Trung Việt Nam, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế ở phía bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía nam. Đó là con đèo hiểm trở bậc nhất trên con đường thiên lý Bắc - Nam xưa. Đèo Hải Vân có chiều dài 21km, đỉnh cao nhất là 496m so với mực nước biển. Giao thông qua đèo Hải Vân rất khó khăn đối với cả đường bộ và đường sắt bởi yếu tố địa hình.

Đường bộ qua đèo Hải Vân đã có từ ngàn năm nay, nhưng đường sắt thì mới có hơn một thế kỷ. Vào đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp thiết lập sự thống trị ở Việt Nam đã cho xây dựng đường sắt qua đèo Hải Vân (năm 1902), tới năm 1906 thì thông tuyến. Đây thực sự là một kỳ tích bởi địa thế, địa hình đèo Hải Vân vô cùng hiểm trở. Ngày nay, tuyến đường sắt này vẫn được sử dụng.

Cung đường sắt Hải Vân vượt qua đèo từ Đà Nẵng đến Thừa Thiên Huế và ngược lại, dài tương đương đường bộ, qua các ga Kim Liên, Hải Vân Nam (Đà Nẵng), Hải Vân (nằm giữa đèo), Hải Vân Bắc, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế). Trong đó, các ga Kim Liên và Lăng Cô nằm hai bên chân đèo; còn các ga Hải Vân Nam, Hải Vân, Hải Vân Bắc thuộc con đèo. Cung đường sắt Hải Vân nằm phía đông trục đường bộ (quốc lộ 1), sát biển.

Đường sắt Hải Vân quanh co theo sườn núi, qua 6 hầm chui và 18 cây cầu, trong đó hầm ngắn nhất là 85m, hầm dài nhất là 600m. Thời kỳ đầu, ngành Đường sắt sử dụng đầu máy hơi nước hay đầu máy diesel thế hệ cũ, khi tàu vượt Hải Vân thì phải lắp thêm đầu máy - một đầu kéo, một đầu đẩy. Tàu qua đèo Hải Vân đi với tốc độ rất chậm bởi đường dốc và nhiều khúc cua, khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Hình ảnh lãng mạn của đoàn tàu hỏa vượt Hải Vân đã trở thành cảm hứng để cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa viết bài hát “Tàu anh qua núi”: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay/ Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi...”.

Đi tàu vượt Hải Vân là một trải nghiệm khó quên với bất cứ ai bởi có thể ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan hoang sơ của con đường đèo. Từ trên tàu, có thể thấy những vách núi dựng đứng ở phía tây và biển Đông ngay sát dưới chân. Từ cửa sổ tàu, có thể nhìn thấy cả đoàn tàu đang uốn lượn men theo triền núi. Cho dù hiện nay đường bộ đã có hầm Hải Vân xuyên núi, rút ngắn chặng đường còn hơn 6km nhưng nhiều người vẫn chọn cách đi tàu hỏa để có thể thưởng ngoạn phong cảnh kỳ thú của Hải Vân, nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top