Phát triển du lịch cộng đồng ở Mường Lay

07:26 - Thứ Sáu, 10/03/2023 Lượt xem: 7425 In bài viết

ĐBP - Trải nghiệm du lịch làng nghề, khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc địa phương, hòa mình vào các lễ hội, thưởng thức những món ăn do tự tay mình thực hiện... những điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt với mỗi du khách khi đến TX. Mường Lay.

Phụ nữ dân tộc Thái trắng, xã Lay Nưa làm bánh khẩu xén phục vụ du khách đến tham quan.

Thị xã Mường Lay nằm ở ngã ba sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Từ khi Thủy điện Sơn La hoàn thành, tích nước, lòng hồ khu vực thị xã dâng cao đã tạo nên bức tranh thiên nhiên “sơn thủy hữu tình”. Thế nhưng, kể từ khi người dân nhường đất để thực hiện dự án, cũng là lúc “bài toán” tìm hướng đi trong phát triển kinh tế gặp phải khó khăn. Trước những thách thức đặt ra, đặc biệt, xuất phát từ một miền đất lịch sử, giàu bản sắc của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái trắng, cấp ủy, chính quyền TX. Mường Lay đã định hướng nhân dân phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phát triển làng nghề gắn với các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm... từ đó khai thác, từng bước quảng bá, thu hút, đưa ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

Đến với xã Lay Nưa những ngày này, du khách không chỉ được hòa quyện vào những nét văn hóa đặc trưng của bà con nơi đây mà còn được thưởng thức ẩm thực, giao lưu văn nghệ và tận tay làm nên những chiếc bánh khẩu xén, khẩu chí chọp - sản phẩm đặc trưng của đồng bào Thái trắng TX. Mường Lay. Bà Lò Thị Miền, bản Bắc 2, xã Lay Nưa chia sẻ: “Mỗi lần du khách đến tham quan, trải nghiệm làm bánh khẩu xén hoặc khẩu chí chọp đều được chị em chúng tôi giới thiệu tỉ mỉ, hướng dẫn nhiệt tình, bởi vậy khi ra về ai nấy đều rất hài lòng, phấn khởi. Thậm chí nhiều du khách còn trở lại vài lần nữa để giới thiệu cho người thân, bạn bè đến tham quan, trải nghiệm”.

Theo bà Lò Thị Miền, bánh khẩu xén là loại bánh truyền thống, rất đặc trưng của đồng bào Thái trắng sinh sống trên địa bàn TX. Mường Lay. Trước đây, loại bánh này thường làm để cúng vào các dịp lễ, tết hoặc cúng tổ tiên. Sau này, nhiều người ăn khen ngon nên bà con đã nhân rộng quy mô sản xuất bán ra thị trường. Từ món ăn đặc trưng, nay bánh khẩu xén đã trở thành sản phẩm OCOP và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đến Mường Lay, du khách còn được hòa mình vào các lễ hội như: Kin Pang Then, Lễ hội Đua thuyền đuôi én... hoặc tham quan, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt tôm, cá. Đây vốn là nghề mà nhiều năm nay, người dân ở phường Sông Đà vẫn gắn bó từ khi hồ Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động. Anh Trương Công Hưng, du khách đến từ Hà Nội hào hứng chia sẻ: “Tôi từng du lịch nhiều nơi, trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhưng được ngồi trên thuyền đánh bắt tôm cá lúc bình minh quả thực rất thú vị. Lênh đênh trên sông nước tôi cảm nhận được vẻ đẹp hữu tình nơi được mệnh danh là thị xã nhỏ nhất cả nước”.

Với xu thế hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đã không còn xa lạ đối với các địa phương trong tỉnh cũng như cả nước. Do vậy, để đáp ứng ngày càng nhiều lượng du khách lớn, ngoài hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, những năm gần đây, TX. Mường Lay thường xuyên khuyến khích nhân dân tổ chức đón khách, thúc đẩy dịch vụ homestay, cơ bản đáp ứng đủ điều kiện lưu trú và trải nghiệm văn hóa, du lịch của du khách. Qua thống kê, trên địa bàn thị xã hiện có hơn 30 hộ phát triển mô hình du lịch cộng đồng với sức chứa gần 500 du khách, tập trung chủ yếu ở xã Lay Nưa và phường Na Lay. Đa số các hộ phục vụ nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ của khách; ngoài ra cũng có nhiều hộ cung cấp các dịch vụ khác như: Tham quan, trải nghiệm đi thuyền trên hồ, tham gia đánh bắt cá, tôm, làm các loại bánh truyền thống: khẩu chí chọp, khẩu xén...

Là một trong những gia đình làm dịch vụ lưu trú homestay, chị Lù Thị Toản, bản Quan Chiêng, phường Na Lay cho biết: Ngày thường, khách không đông nhưng mỗi dịp cuối năm, nhất là thời điểm lễ hội đua thuyền đuôi én thì kín chỗ ngủ nghỉ. Dẫu vậy, chúng tôi luôn cố gắng mang đến chất lượng dịch vụ tốt nhất để du khách hài lòng mỗi khi đến tham quan, trải nghiệm.

Có thể nói, gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch hay phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống hiện nay đang là xu hướng không chỉ góp phần phát triển du lịch xanh bền vững mà còn giúp TX. Mường Lay chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển dịch vụ du lịch, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top