Thực tế, việc tăng giá các dịch vụ, nhất là vé máy bay ảnh hưởng rất lớn đền kế hoạch tài chính của khách hàng khi mùa cao điểm cận kề. Để giảm thiểu tình trạng giá biến động, khiến gói du lịch nội địa đắt đỏ hơn gói quốc tế, một số chuyên gia nhận định, cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị để điều tiết thị trường theo hướng hài hòa, cùng cơ lợi.
Du lịch Phú Quốc có nguy cơ vắng khách trong dịp nghỉ lễ do giá vé máy bay tăng cao. |
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần nhưng tỷ lệ đặt phòng tại nhiều điểm du lịch đang ở mức khá thấp. Lý do được cho là bởi sự đồng loạt tăng giá các dịch vụ, nhất là giá vé máy bay. Theo TS. Đỗ Trần Phương, Phó trưởng Khoa Du lịch Trường ĐH Văn hoá Hà Nội, trong cơ cấu chi tiêu của du khách, chi phí cho máy bay thường chiếm 30 - 50% tổng giá thành một gói du lịch nội địa. Chính vì vậy, giá máy bay tăng cao sẽ đẩy giá gói du lịch lên cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định lựa chọn gói du lịch của người dân. Nhiều khách sẽ thay đổi điểm đến, chọn những địa điểm du lịch gần hơn, hoặc những tuyến có phương tiện giao thông khác thay thế máy bay; thậm chí, một số khách sẽ lựa chọn du lịch nước ngoài vì chi phí không chênh lệch nhiều so với gói du lịch nội địa.
Khảo sát website bán vé của các hãng hàng không những ngày đầu tháng 4 cho thấy, giá vé bay từ 28/4 đến 4/5 thay đổi liên tục theo từng giờ, một số chặng bay hết vé phổ thông, chỉ còn hạng thương gia. Điển hình là chặng bay từ Hà Nội đến Phú Quốc, giá vé cao gấp đôi ngày thường, Vietnam Airlines mở bán 8,5 - 10 triệu đồng/vé khứ hồi, Vietjet Air và Bamboo Airways có giá từ 7,9 - 8,3 triệu đồng/vé. Tương tự, chặng bay Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Nẵng vào dịp lễ có giá 1,5 - 2,5 triệu đồng/vé, khứ hồi hơn 5 triệu đồng/vé/khách.
Đặc biệt, giá vé máy bay quốc tế thậm chí còn rẻ hơn giá vé bay nội địa. Chẳng hạn vé khứ hồi từ Thành phố Hồ Chí Minh - Thái Lan rẻ nhất của Vietjet 3,2 - 4 triệu đồng; Vietnam Airlines và Bamboo Airways 4,1 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, bay từ Thành phố Hồ Chí Minh - Singapore, vé khứ hồi các hãng mở bán 5,5 triệu đồng, rẻ hơn nhiều so với chặng bay từ Hà Nội - Phú Quốc. Nhiều chuyên gia lo ngại, giá vé máy bay chặng nội địa quá cao khiến du khách chuyển sang đi du lịch nước ngoài. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ sụt giảm lượng khách đối với du lịch nội địa, nhất là những điểm du lịch đặc thù, phụ thuộc nhiều vào các đường bay.
Chị Trần Thu Trang, một du khách du lịch ở Hà Nội cho biết, dịp lễ 30/4 và 1/5 được nghỉ dài ngày, vợ chồng chị dự định đưa các con đi du lịch Phú Quốc, nhưng khi xem vé máy bay từ Hà Nội - Phú Quốc thì bị sốc vì giá 7 - 8 triệu đồng/người cho vé khứ hồi. Do đó, anh quyết định thay đổi lịch trình, chọn điểm du lịch gần Hà Nội để tiết kiệm chi phí.
Anh Nguyễn Văn Thành, quản lý một khách sạn tại đường Trần Hưng Đạo, Phú Quốc chia sẻ: “Vé máy bay đến Phú Quốc tăng cao nên tỷ lệ lấp đầy khách sạn chưa đến 50%, trong khi một tháng trước lượng khách đặt đã lên tới 80-85%. Dù đã bỏ phụ thu tiền phòng và ăn uống, hạ giá "sập sàn" nhưng lượng khách đăng ký thuê phòng tăng rất chậm, một số trường hợp còn hủy đặt phòng vì giá vé máy bay cao. Những người làm dịch vụ như tôi hy vọng các đơn vị có liên quan và các hãng hàng không có đường bay đến Phú Quốc đưa ra cơ chế chi phí giá vé hợp lý để có lượng khách đến Phú Quốc như thời điểm trước đây”.
Lượng khách đến nhiều điểm du lịch được dự báo sẽ không bùng nổ trong dịp lễ 30/4 và 1/5 do giá các gói du lịch nội địa tăng cao. |
Thực tế, việc tăng giá các dịch vụ, nhất là vé máy bay ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tài chính của khách hàng khi mùa cao điểm cận kề. Để giảm thiểu tình trạng giá biến động, khiến gói du lịch nội địa đắt đỏ hơn gói quốc tế, một số chuyên gia nhận định, cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị để điều tiết thị trường theo hướng hài hòa, cùng cơ lợi. Tức là cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, hãng hàng không, cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch và các công ty du lịch, lữ hành. Các bên cùng bàn thảo để xây dựng một kế hoạch tổng thể; sớm đưa ra giải pháp, kế hoạch nhằm thúc đẩy việc lựa chọn các gói du lịch nội địa của du khách. Bởi nếu không sớm có sự thống nhất giữa các bên, tình trạng giá dịch vụ, giá vé máy bay tăng cao vào các dịp nghỉ lễ sẽ là nguy cơ gây mất đà phục hồi, tăng trưởng của du lịch trong nước, ảnh hưởng lớn đến chính sách phát triển du lịch nói chung của đất nước.
Về lâu dài, cần phát huy vai trò của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giao thông, trực tiếp là Cục Du lịch Quốc gia và Cục Hàng không, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch của các địa phương trong việc định hướng các doanh nghiệp lữ hành phát triển đồng đều, giảm tác động của các biến động thị trường. Các cơ quan này cần tăng cường hơn nữa việc phối hợp, nghiên cứu thị trường, đưa ra các chiến lược và kế hoạch phù hợp; tư vấn, điều phối các bộ ngành, các doanh nghiệp thực hiện theo các kế hoạch này. Đồng thời, phát hiện những điểm nghẽn, rào cản kỹ thuật để tháo gỡ kịp thời.
Cùng với đó, các điểm du lịch trong nước cần đặc biệt chú ý đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với phát triển những sản phẩm du lịch mới để tăng sức hấp dẫn đối với du khách; nâng cao chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp trong phục vụ. Bởi bên cạnh giá thành gói du lịch hợp lý, du khách còn mong muốn có được những trải nghiệm chất lượng, hấp dẫn. Chỉ khi có chất lượng bảo đảm, giá thành hợp lý thì du lịch Việt Nam mới khẳng định được vị trí trên bản đồ du lịch thế giới; đồng thời, du lịch Việt mới có thể phát triển hiệu quả, bền vững.