Độc đáo ẩm thực Hà Giang

07:48 - Chủ Nhật, 30/04/2023 Lượt xem: 3475 In bài viết

Cháo ấu tẩu, Mèn mén, Phở Tráng Kìm... là những món ăn độc đáo của ẩm thực Hà Giang.

Cháo ấu tẩu
Cháo ấu tẩu là món ăn đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang, được làm từ củ ấu tẩu, có vị đắng nên còn được gọi là cháo đắng. Củ ấu tẩu rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng có tính độc, có thể gây tử vong. Để giảm độc tính, người ta ngâm củ ấu tẩu trong nước gạo qua đêm, sau đó hầm khoảng 4 tiếng tới khi chín mềm, bở tơi thành loại bột sền sệt. 

 

 

Nguyên liệu nấu cháo gồm gạo nếp cái hoa vàng, gạo tẻ thơm và chân giò lợn. Tất cả được hầm cùng bột củ ấu tẩu trong 4 tiếng tiếp theo để thành món cháo ấu tẩu có màu nâu. Khi ăn, kèm thêm chút hành lá, tía tô, rau thơm, thịt lợn băm hoặc trứng gà. Du khách sẽ cảm nhận được vị đắng của củ ấu tẩu, vị ngọt của nước xương và thơm bùi của gạo nương. Người Hà Giang thường ăn cháo ấu tẩu vào buổi tối để bồi bổ sức khỏe.

Mèn mén
Mèn mén (hay mỏ Mong) là món cơm của người Mông được làm từ giống ngô tẻ bản địa gieo trồng trên khe đá. Sau khi thu hoạch, người ta đem về phơi trên hiên nhà hoặc gác trên bếp đun. Để làm thành bột mèn mén, người ta tách và chọn những hạt ngô ngon, căng mẩy nhất đem xay tróc vỏ và sàng, loại bỏ mày ngô, sạn và lại xay tiếp đến khi thành bột mịn. Tiếp đó, người ta đổ ngô vào nia, trộn cùng chút nước vừa đủ rồi hấp hai lần cho chín mềm. Mèn mén đạt tiêu chuẩn có màu vàng ruộm, thơm, khi ăn có vị đậm đà, dẻo bùi. Người Mông thường ăn mèn mén với một bát canh rau cải, đậu chúa, su su... Trong các phiên chợ, mèn mén được hòa vào nước dùng để ăn cùng phở, mỳ hoặc thắng cố.

Phở Tráng Kìm
Tráng Kìm là tên do người Pháp đặt. Món phở Tráng Kìm nổi tiếng có nguồn gốc từ gia đình cụ Trịnh Thị Mạo, quê gốc Thái Bình, di cư tới thôn Tráng Kìm (xã Đông Hà, huyện Quản Bạ), lấy chồng người Giáy. 

 

 

Phở Tráng Kìm đặc biệt nhất ở phần bánh phở làm từ gạo bao thai (giống lúa gieo trồng 1 vụ trong năm) trộn lẫn với gạo sống và cơm nguội được ngâm kỹ rồi xay thành bột. Để tráng bánh phở, người ta dùng ống nứa cuốn bánh đã được hấp chín trên nồi, sau đó phơi trên giàn nứa, chờ nguội rồi thái. Nước dùng phở được chế biến từ xương lợn đen, chân gà, gừng, thảo quả, quả dành dành. Khi ninh nước dùng, cần cho thêm một chút nghệ để nước có vị thanh. Thịt gà ăn cùng phở là loại gà nuôi trên đồi núi, thịt chắc, thơm ngon. Gà luộc chín, để nguội rồi lấy phần thịt lườn, đùi thái thành miếng con chì. Sau khi xếp thành các lớp theo thứ tự: Bánh phở, thịt gà và một lớp hành lá bên trên, người ta chan nước dùng nóng hổi và thưởng thức.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top