Bài toán khó trong phát triển du lịch ở Mường Nhé

08:28 - Thứ Tư, 24/05/2023 Lượt xem: 6146 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, việc phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mường Nhé đã đạt những kết quả nhất định. Tuy vậy, việc phát triển ngành công nghiệp không khói này gắn với khai thác tài nguyên văn hóa của huyện vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trong khối dịch vụ.

Du khách chinh phục 580 bậc thang để lên mốc giao điểm đường biên giới 3 nước Việt - Lào - Trung.

Huyện Mường Nhé hiện có một số điểm tiềm năng phát triển du lịch, đã bước đầu hình thành sản phẩm và đưa vào khai thác, song quy mô nhỏ, chất lượng, hiệu quả chưa cao. Ví dụ như mốc giao điểm đường biên giới giữa 3 nước Việt - Lào - Trung có mốc giới để khách du lịch tham quan, chụp hình. Hệ thống đường lên mốc được đầu tư bê tông kéo dài từ Trạm Biên phòng A Pa Chải tới sát chân cột mốc, trong quá trình sử dụng chịu ảnh hưởng của yếu tố thời gian, thời tiết nên đang dần bị xuống cấp. Đặc biệt, đường vào mốc tương đối khó đi phải sử dụng xe máy hoặc đi bộ. Từ ngoài vào 12km với nhiều địa hình khác nhau, sau đó lại đi bộ 580 bậc để chinh phục cột mốc. Hệ thống cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chưa được xây dựng, khách du lịch mới chỉ sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống tại Đồn Biên phòng A Pa Chải và một số hộ dân địa phương xung quanh mang tính tự phát. Chưa có hệ thống các cửa hàng bán sản phẩm du lịch địa phương, hệ thống các nhà vệ sinh, bãi đỗ xe…

Mường Nhé còn một điểm đầy tiềm năng nữa là khoáng nóng Quảng Lâm, xã Quảng Lâm. Nằm cách trung tâm huyện Mường Nhé khoảng 15km, điểm du lịch này còn rất hoang sơ, khách du lịch có thể trải nghiệm tắm nước khoáng nóng kết hợp với đi bộ chụp hình check-in, tham quan và khám phá văn hoá đặc trưng của đồng bào dân tộc Kháng - một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc Việt Nam với 86 hộ. Tuy nhiên điểm khoáng nóng mới chỉ được đầu tư tuyến đường cấp phối để đi lại chứ chưa có cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch…

Trung bình mỗi năm Mường Nhé đón khoảng 2.000 lượt khách khách tham quan, du lịch. Tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn là 15 nhà nghỉ; 8 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách du lịch và một số nhà trọ có phòng cho thuê khác với tổng số 133 buồng, phòng tiếp đón khách du lịch. Công suất sử dụng phòng tại các nhà nghỉ, cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch đạt 60%; ngày lưu trú bình quân của khách từ 0,5 - 1 ngày, mức chi tiêu của du khách 0,6 triệu/ngày. Có thể thấy rằng, các thông số vẫn còn rất khiêm tốn.

Nguyên nhân khó khăn đã được huyện nhìn nhận, chỉ rõ để tìm hướng khắc phục trong thời gian tới. Đầu tiên, phải thừa nhận rằng, công tác quy hoạch về lĩnh vực du lịch, tuyến du lịch và quy hoạch chi tiết các điểm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn còn chưa hoàn thiện, đầy đủ; việc đầu tư cơ sở hạ tầng cơ bản (đường, điện, cải tạo cảnh quan) chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú, địa điểm vui chơi phục vụ tại một số khu, điểm có tiềm năng du lịch chưa được đầu tư, đặc biệt là các nhà nghỉ, nhà hàng; chưa có hệ thống biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch có tiềm năng du lịch. Chưa có các trạm dừng chân ngắm cảnh gắn với cung cấp thông tin du lịch và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện. Hoạt động truyền thông quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch chưa chuyên nghiệp, nội dung còn đơn giản, chưa có chủ đề, thông điệp rõ ràng, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực vào đầu tư du lịch.

Cùng với đó, một số bản sắc văn hóa dân tộc chưa được nghiên cứu, đánh giá đầy đủ. Hình thức bảo tồn, phát huy còn trong phạm vi hẹp, mới tập trung khôi phục các lễ hội tiêu biểu, bảo tồn một số làn điệu dân ca, dân vũ, tổ chức lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể một số dân tộc. Việc duy trì và phát huy sau khi được bảo tồn, phục dựng chưa thực sự hiệu quả. Việc huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư cho phát triển văn hóa, nhất là cho hoạt động bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc còn hạn chế. Trong khi nền văn hóa, văn nghệ của các dân tộc ở Mường Nhé đang đứng trước những thử thách lớn. Các hoạt động văn nghệ dân gian trước đây diễn ra thường xuyên, thì giờ đây trở nên thưa thớt. Nhiều nơi không còn chế tác các nhạc cụ. Thế hệ trẻ không tha thiết với sinh hoạt văn hóa dân gian, coi nhẹ trang phục, kiến trúc và những giá trị tinh thần truyền thống, có nguy cơ làm đứt đoạn với truyền thống văn hóa dân tộc...

Thêm một nguyên nhân khách quan nữa là điều kiện kinh tế - xã hội của huyện Mường Nhé còn nhiều khó khăn, nguồn đầu tư hạn chế chưa đảm bảo cho công tác phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Việc phát triển du lịch ở huyện vùng cao, biên giới như Mường Nhé là bài toán khó. Để tìm ra lời giải không chỉ đơn giản là phát huy nội lực của địa phương mà rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, ngành và của các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top