Tam Cốc- kỳ quan giữa vùng Di sản

07:17 - Thứ Năm, 25/05/2023 Lượt xem: 6322 In bài viết

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước khách du lịch là người Châu Âu đã biết đến Tam Cốc- Bích Động, trong số đó, nhiều nhất phải kể đến là người Pháp. Chị Đỗ Thị Bích Huệ, chủ homestay Lys (Ninh Hải, Hoa Lư) nhớ lại, một lần chèo đò có người khách Pháp đã kể cho chị nghe họ sang đây vì được xem bộ phim "Indochine", có bối cảnh quay ở Tam Cốc, Ninh Bình giai đoạn 1920 - 1950, kể về câu chuyện về một gia đình người Pháp và mối tình tay ba ngang trái nhưng đầy xúc động.

Khung cảnh ở bến thuyền du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình năm 1991.

Sau khi bộ phim được công chiếu vào thập niên 90, rất đông du khách Pháp đã muốn khám phá những khung cảnh từng xuất hiện trong phim. Thế rồi "hữu xạ tự nhiên hương" cảnh đẹp của Tam Cốc- Bích Động được nhiều người truyền tai nhau và du khách Châu Âu tìm về Tam Cốc để được trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ, cũng như con người mộc mạc, tần tảo nơi đây.

Du khách vào thăm Tam Cốc.

Ngồi trên chiếc thuyền nhỏ lướt nhẹ trên dòng sông Ngô Đồng chị Nguyễn Thị Lan (hiện đang sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) trầm mặc nghe người lái đò thuyết minh cảnh đẹp của Tam Cốc, chị kể, ngày còn nhỏ sống ở Hà Nội, đạt học sinh giỏi, được nhà trường cho đi thăm quan tại Cố đô Hoa Lư và Tam Cốc- Bích Động. Ngày đó "du lịch" là 2 từ khá xa lạ nhưng ở đây đã tấp nập trên bến dưới thuyền, trong đó có khá đông khách nước ngoài. Ngoài núi non, cảnh sắc tuyệt đẹp thì đám học sinh chúng tôi còn rất thích thú với các sản phẩm thêu tay được người dân bày bán trên thuyền nên đứa nào cũng chọn mua một sản phẩm về làm kỷ niệm. Chị Lan bày tỏ, sau 30 năm quay trở lại, rất vui vì cảnh quan thiên nhiên và nét văn hóa đặc trưng của Tam Cốc vẫn được người dân gìn giữ gần như nguyên vẹn. Các dịch vụ du lịch thì đã phong phú và chuyên nghiệp hơn rất nhiều. 

 

Hoa Lư, vùng đất ngàn năm, đã qua bao cuộc bể dâu nhưng vẫn còn lưu dấu những bước chân của tiền nhân, đánh dấu những điểm mốc quan trọng về lịch sử nhân loại, lịch sử quốc gia dân tộc Việt Nam.

 

 

Đồng chí Nguyễn Cao Tấn, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Tại Ninh Hải, hơn 700 năm về trước vua Trần Thái Tông cho lập am tu hành, xây dựng Hành cung Vũ Lâm trở thành căn cứ địa vững chắc của quân dân thời Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, thứ ba. Đây còn là nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu hành trước khi lên Yên Tử lập ra Thiền phái Trúc Lâm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. 

 

 

Bên cạnh những di tích lịch sử quá trình canh tác bên những dòng sông xuyên nối những thung lũng đá vôi, người dân nơi đây đã tạo ra những đặc trưng cho nền văn hóa lúa nước, làm nên giá trị văn hóa, thẩm mỹ độc đáo trong không gian di sản địa chất, địa mạo riêng có của trái đất. Ngày nay, người dân vùng đất Hoa Lư còn lưu giữ hàng loạt các lễ hội và di tích lịch sử, các giá trị này đang được Ninh Bình khai thác, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch.

 

 

Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cảnh đẹp như tranh, mê mẩn lòng người, Tam Cốc - Bích Động còn thu hút du khách bằng những trải nghiệm mà ít nơi nào có được. 

 

Tại đây, có làng thêu ren truyền thống Văn Lâm có tuổi đời hơn 700 năm. Trước kia, các cây kim của làng Văn Lâm chuyên thêu các loại trang phục, quần, áo, mũ của đội tế, tàn, lọng, y môn, để phục vụ nghi thức, nghi lễ đời sống văn hóa tâm linh của các triều đại phong kiến nước ta. Ngày nay, nghề thêu ren vẫn được người dân gìn giữ và phát triển với hàng loạt những sản phẩm mới mẻ, mang hơi thở hiện đại hơn: khăn trải bàn, rèm, vỏ chăn ga, gối, quần áo thời trang,...

Ngoài việc tạo ra những sản phẩm đẹp, bắt mắt, hiện nay Vân Lâm còn chú trọng đến không gian trưng bày để thu hút khách du lịch đến với làng nghề. Du khách có thể tham gia hoạt động trải nghiệm tại các hộ dân, được những người thợ lành nghề hướng dẫn thêu và có thể tự tay làm ra những sản phẩm theo ý tưởng, mẫu mã thiết kế của riêng mình. Bên cạnh đó, khi tham gia vào quá trình sản xuất, du khách còn được tìm hiểu về những nét tinh tế, nét văn hóa truyền thống của vùng đất và con người nơi đây được truyền tải qua từng tác phẩm.

 

 

Anh Jarmaine, du khách đến từ Canada chia sẻ: "Rất lâu rồi tôi mới được nhìn thấy trực tiếp những người thợ làm nên những sản phẩm thêu đẹp như thế này. Tôi cũng đã được trải nghiệm thêu một số đường, tôi cảm thấy rất thích. Về nước tôi sẽ giới thiệu với bạn bè về làng thêu này để mọi người có thể đến để có những trải nghiệm thú vị giống tôi".

Ngoài những trải nghiệm thú vị với nghề thêu, ở Tam Cốc, du khách còn có thể đạp xe trên những con đường rợp bóng mát, băng qua những cánh đồng lúa ngút tầm mắt; tham gia trải nghiệm sinh hoạt cùng cộng đồng dân cư như nấu ăn, câu cá, cấy lúa... đặc biệt đi xe bò ngắm cảnh cũng là một trải nghiệm bạn nên thử khi đến với vùng đất Ninh Hải.

 

 

Cánh đồng Tam Cốc được vinh danh là 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam. Sức hấp dẫn của nó không chỉ đến từ "bàn tay" của tạo hóa mà bởi nơi đây có sự giao thoa giữa thiên nhiên và con người, giữa tĩnh lặng của đất trời với hoạt động mưu sinh của người dân bản địa. 

Để tạo điểm nhấn cho sản phẩm du lịch ở Tam Cốc, năm 2022, với ý tưởng cánh đồng lúa nghệ thuật mang hình lá cờ hội đã lan tỏa hiệu ứng tích cực về Tuần lễ du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An". Nối tiếp thành công đó, để phục vụ cho Tuần lễ du lịch năm nay, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Xuân Trường đã đưa ra ý tưởng khắc họa bức tranh "Lý ngư vọng nguyệt" trên cánh đồng lúa rộng hơn 9500 m2, nhằm nâng tầm giá trị của hoạt động nông nghiệp thông qua hình ảnh cây lúa. 

 

Bức tranh "lý ngư vọng nguyệt" trên cánh đồng lúa Tam Cốc.

 

Trong phong thủy, cá chép mang ý nghĩa rất lớn, cá chép gắn liền với hình ảnh "cá chép vượt vũ môn". Bởi vậy, bức tranh "lý ngư vọng nguyệt" thể hiện khát vọng, sự nỗ lực và ý chí kiên cường vượt lên mọi khó khăn để vươn tới thành công. Đặc biệt, hình ảnh cá chép còn là biểu tượng của sự may mắn, những điều tốt đẹp. Chủ nhân của ý tưởng này mong muốn bức tranh lý ngư vọng nguyệt được khắc họa bằng chính chất liệu cây lúa nước là cầu mong cho một năm quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

 

 

Theo ông Hoàng Thanh Phong Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động: Mùa Hè Tam Cốc rực rỡ với những cánh đồng lúa chín vàng còn bước sang mùa Thu Đông chúng tôi đang xây dựng ý tưởng trồng hoa Súng trên dòng sông Ngô Đồng. Đây là loài hoa bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thời gian nở hoa kéo dài, màu hoa đậm nét tạo thành dòng sông hoa. Từ chính những sản phẩm nông nghiệp của người dân bản địa chúng tôi sẽ tạo nên một Tam Cốc "4 mùa", mang nét đặc trưng riêng, tránh trùng lắp với các sản phẩm du lịch khác. 

Một số hình ảnh tại Tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" năm 2022.

Tuần du lịch Ninh Bình được tổ chức thường niên vào mỗi dịp mùa vàng Tam Cốc góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, tôn vinh hình ảnh vùng đất, con người Ninh Bình tươi đẹp, thân thiện, ước nguyện hòa bình, hội nhập quốc tế. Chắc chắn rằng đây sẽ là chuỗi sự kiện tạo được ấntượng tốt đẹp, lắng đọng trong trái tim mỗi người và được lan tỏa tích cực tới bạn bè trong nước và quốc tế.

 

Theo baoninhbinh.org.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top